Đối tượng nào được công nhận là Cựu chiến binh?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
05/08/2022 09:11 AM

Ba tôi là bộ đội về hưu thì có được tham gia và công nhận vào Hội Cựu chiến binh không? - (Anh Hiền, Trà Vinh)

Đối tượng nào được công nhận là Cựu chiến binh?

Đối tượng nào được công nhận là Cựu chiến binh? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cựu chiến binh là ai?

Theo điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh 2005 thì Cựu chiến binh là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tham gia đơn vị vũ trang chiến đấu chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ.

2. Hội Cựu chiến binh Việt Nam là gì?

Theo điều 3 Pháp lệnh Cựu chiến binh 2005 thì Hội Cựu chiến binh là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đại diện ý chí, nguyện vọng của Cựu chiến binh, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Đối tượng nào được công nhận là Cựu chiến binh? 

Theo Điều 2 Nghị định 150/2006/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 157/2016/NĐ-CP) quy định về đối tượng được công nhận là Cựu chiến binh như sau:

- Cán bộ, chiến sĩ đã tham gia các đơn vị vũ trang do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức trước cách mạng Tháng 8 năm 1945 như Đội tự vệ đỏ, du kích Ba Tơ, du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và các đơn vị vũ trang khác do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo.

- Cán bộ, chiến sĩ gồm sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, biệt động đã tham gia kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế từ ngày 30/4/1975 trở về trước (ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng).

- Cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc quy định gồm:

+ Đội viên đội công tác vũ trang trong vùng địch tạm chiếm ở miền Bắc  từ ngày 20/7/1954 về trước (ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương);

+ Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, du kích tập trung ở miền Bắc từ ngày 27/01/1973 trở về trước (ngày ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc), đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở đơn vị tập trung theo quyết định thành lập hoặc giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

+ Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, du kích ở miền Nam từ ngày 30/4/1975 trở về trước, đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu theo sự quản lý, phân công hoặc giao nhiệm vụ của tổ chức, cơ sở cách mạng có thẩm quyền.

- Công nhân viên quốc phòng đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống ngoại xâm từ ngày 30/4/1975 về trước.

- Cán bộ, chiến sĩ gồm:

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế, trực tiếp phục vụ chiến đấu trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở đơn vị tập trung theo quyết định thành lập hoặc giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sau ngày 30/4/1975;

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu, chuyển ngành.

Đồng thời, theo khoản 6 Điều 2 Nghị định 150/2006/NĐ-CP quy định các đối tượng trên sẽ không được công nhận Cựu chiến binh nếu thuộc các trường hợp sau:

- Người đầu hàng địch; phản bội; người vi phạm kỷ luật bị tước danh hiệu quân nhân; công nhân viên quốc phòng bị kỷ luật buộc thôi việc;

- Người bị kết án tù mà chưa được xoá án tích.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 62,976

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn