Thế nào là thừa kế thế vị?
Theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 , thừa kế thế vị được quy định như sau:
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống;
Trường hợp nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, có thể hiểu thừa kế thế vị là việc người để lại di sản và con hoặc cháu (người được nhận di sản sau khi người để lại di sản chết) của người đó chết trước hoặc cùng lúc với người để lại di sản thì quyền thừa kế phần di sản đó sẽ được chuyển cho cháu hoặc chắt của người để lại di sản.
Điều 619 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.
Người hưởng thừa kế phải thực hiện các nghĩa vụ về tải sản do người chết để lại theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 , cụ thể:
- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Như Mai