Lương hưu có tăng khi lương tối thiểu vùng tăng?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
22/06/2022 09:27 AM

Lương hưu là chế độ hưu trí mà người lao động sẽ được nhận khi đóng bảo hiểm xã hội. Vậy lương hưu có tăng khi lương tối thiểu vùng tăng?

Lương hưu có tăng khi lương tối thiểu vùng tăng? (Ảnh minh họa)

1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động

Căn cứ Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công thức tính mức hưởng lương hưu như sau:

Mức lương hưu hằng tháng

=

Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng

X

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Trong đó: 

- Mức hưởng lương hưu

+ Đối với lao động nam nếu đóng BHXH đủ 20 năm thì mức hưởng lương hưu tối thiểu 45%;

+ Đối với lao động nữ nếu đóng BHXH đủ 15 năm thì mức hưởng lương hưu tối thiểu 45%.

Sau đó, cứ thêm 01 năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ nhưng không vượt mức tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Lưu ý: Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị giảm 2% Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

- Mức đóng BHXH bắt buộc là căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Tại Điều 63 Luật BHXH 2014, khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH.

Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

2. Lương tối thiểu vùng tăng thì lương hưu có tăng?

*Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu hiện nay

Căn cứ Khoản 2.6 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu như sau:

- Người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường mức tiền lương đóng BHXH không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng;

- Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng

- Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%;

- Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

*Mức lương tối thiểu vùng hiện nay

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu như sau:

Quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

 

Như quy định nêu trên, tiền lương hưu hiện nay do người sử dụng lao động căn cứ trên tiền đóng BHXH.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đóng BHXH bắt buộc hàng tháng bằng với mức lương tối thiểu vùng, do đó, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 sẽ dẫn đến việc tăng mức đóng BHXH bắt buộc, từ đó dẫn đến tiền lương hưu cũng tăng. 

Tuy nhiên, tiền lương chỉ chiếm 1 phần trong việc tăng lương hưu bởi ngoài mức đóng BHXH, tiền lương hưu còn phụ thuộc vào tỷ lệ lương hưu hằng tháng.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,976

Bài viết về

Lương tối thiểu vùng 2022

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]