Bản sao là gì? Giá trị pháp lý của bản sao

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
20/06/2022 10:50 AM

Hiện nay, việc sử dụng bản sao các loại giấy tờ tùy thân khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự rất phổ biến. Vậy bản sao là gì và có giá trị pháp lý thế nào? Bản photo chứng thực có phải bản sao không?

Bản sao là gì? Giá trị pháp lý của bản sao

Bản sao là gì? Giá trị pháp lý của bản sao (Ảnh minh họa)

1. Bản sao là gì?

Theo khoản 6 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP , bản sao được quy định là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.

Sổ gốc theo quy định là sổ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập ra khi thực hiện việc cấp bản chính theo quy định của pháp luật, trong đó có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính mà cơ quan, tổ chức đó đã cấp.

2. Giá trị pháp lý của bản sao

Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính như sau:

- Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Bản photo chứng thực có được xem là bản sao không?

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP , bản sao là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.

Đồng thời Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao như sau:

- Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

- Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.

Căn cứ các quy định nêu trên, có thể hiểu bản sao không bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (chứng thực). Bản sao có thể chia thành 03 loại: Bản photo từ bản chính, bản sao chứng thực và bản sao được cấp từ sổ gốc.

Như vậy, ngoài bản chụp bằng điện thoại, máy ảnh; bản đánh máy… bản photo từ bản chính (chưa chứng thực) cũng được coi là bản sao.

>>> Xem thêm: Bản sao y chỉ có hiệu lực trong thời gian là 6 tháng có đúng không? Thẩm quyền chứng thực bản sao y do ai quyết định?

Có được dùng hộ chiếu để xin cấp bản sao từ sổ gốc không? Và bản sao được cấp từ sổ gốc có hiệu lực bao nhiêu lâu?

Ai có quyền yêu cầu cấp bản sao giấy khai sinh? Cơ quan nào thực hiện cấp bản sao từ giấy khai sinh?

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 89,821

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn