Quy định về thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
31/05/2022 16:13 PM

Cá nhân mất nhưng không để lại di chúc thì việc thừa kế thực hiện như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu quy định về thỏa thuận phân chia di sản thừa kế qua bài viết này.

1. Quyền thừa kế di sản thừa kế

1.1 Di sản là gì?

Căn cứ theo Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định di sản bao gồm:

- Tài sản riêng của người chết;

- Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

1.2 Quyền thừa kế di sản thừa kế

Theo Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền:

- Lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; 

- Để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; 

- Hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

(Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.)

Như vậy, hưởng di sản thừa kế là quyền của mỗi cá nhân bằng hình thức di chúc hay theo pháp luật. Vậy việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được quy định như thế nào?

Quy định về thỏa thuận phân chia di sản

Quy định về thỏa thuận phân chia di sản (Ảnh minh họa)

2. Thỏa thuận chia di sản thùa kế

2.1 Thỏa thuận chia di sản thừa kế theo di chúc

Căn cứ Điều 659 Bộ luật dân sự 2015 quy định việc phân chia di sản theo di chúc:

- Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; 

Nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản thừa kế được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

-  Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; 

Nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

Như quy định nêu trên, trong trường hợp cùng hưởng di chúc nhưng người để lại di chúc không xác định rõ phần của từng người thì khi đó những người thừa kế di sản có thể chia đều hoặc thỏa thuận với nhau về việc phân chia di sản thừa kế.

2.2 Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo pháp luật

Căn cứ Điều 660 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc phân chia di sản theo pháp luật như sau:

- Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng nhằm:

+ Nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; 

+ Nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

- Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật;

+ Nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật;

+ Nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Như vậy, trong trường hợp chia thừa kế theo pháp luật người cùng hàng thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật.

2.3 Hình thức thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Căn cứ theo Điều 656 Bộ luật dân sự 2015 quy định mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Như quy định nêu trên, việc mọi thỏa thuận của người thừa kế đều phải được lập thành văn bản bao gồm việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 42,110

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn