Từ ngày 01/01/2025: Thay đổi thời gian bắt buộc bật đèn xe

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
23/07/2024 16:50 PM

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 đã thay đổi thời gian bắt buộc bật đèn xe.

Từ ngày 01/01/2025: Thay đổi thời gian bắt buộc bật đèn xe

Từ ngày 01/01/2025: Thay đổi thời gian bắt buộc bật đèn xe (Hình từ internet)

1. Từ ngày 01/01/2025: Thay đổi thời gian bắt buộc bật đèn xe

Điều 20 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) quy định về sử dụng đèn xe như sau:

- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải bật đèn chiếu sáng phía trước trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.

- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần trong các trường hợp sau đây:

+ Khi gặp người đi bộ qua đường;

+ Khi đi trên các đoạn đường qua khu đông dân cư có hệ thống chiếu sáng đang hoạt động;

+ Khi gặp xe đi ngược chiều, trừ trường hợp dải phân cách có khả năng chống chói;

+ Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.

- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng khi thực hiện công việc trên đường bộ phải bật sáng đèn cảnh báo màu vàng.

Hiện nay, theo Luật Giao thông đường bộ 2008Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về bật đèn xe như sau:

- Người lái xe phải bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.

- Phải bật đèn chiếu sáng gần khi chạy trong hầm đường bộ.

- Không được bật đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

- Không được bật đèn chiếu xa khi tránh xe ngược chiều.

Như vậy, từ ngày 01/01/2025, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 đã thay đổi thời gian bắt buộc bật đèn xe.

>>> Xem chi tiết: Tổng hợp 13 điểm mới Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024

2. Chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

- Bảo đảm ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Chính phủ.

- Hiện đại hoá các trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan.

- Tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị giám sát phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với quy định của pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

- Bảo đảm công bằng, bình đẳng, an toàn đối với người tham gia giao thông đường bộ; tạo thuận lợi cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật trong tham gia giao thông đường bộ; xây dựng văn hóa giao thông; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có thành tích thì được khen thưởng, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương, bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

- Phát triển phương tiện giao thông đường bộ đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân; nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông đường bộ bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ đối với phương tiện giao thông trên thế giới; ưu tiên phát triển phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn; ưu tiên chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, hạ tầng cung cấp năng lượng sạch.

(Điều 4 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn