Tải app trên IOS

Vay tiền bằng giấy viết tay có hợp pháp không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/02/2022 16:35 PM

Hiện nay, nhiều giao dịch cho vay, mượn tiền thường được thỏa thuận thông qua giấy viết tay. Tuy nhiên khi xảy ra tranh chấp, các bên trong giao dịch thường lúng túng không biết nên xử lý như thế nào? Trong trường hợp này, vay tiền bằng giấy viết tay có phù hợp với quy định của pháp luật?

Vay tiền bằng giấy viết tay có hợp pháp không?

Vay tiền bằng giấy viết tay có hợp pháp không? (Ảnh minh họa)

1. Vay tiền bằng giấy viết tay là một giao dịch dân sự

- Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được quy định như sau:

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

- Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, hình thức của giao dịch dân sự được quy định như sau:

+ Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

+ Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 vay tiền bằng giấy viết tay được xem là một giao dịch dân sự, thể hiện bằng hình thức văn bản, là một hợp đồng làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch vay tiền.

2. Điều kiện để giao dịch vay tiền bằng giấy viết tay có hiệu lực

Vì là một giao dịch dân sự nên giấy vay tiền phải đảm bảo các quy định về giao dịch dân sự có hiệu lực theo khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Dân sự 2015

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Đồng thời, tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo các quy định trên, giấy vay tiền viết tay là một hợp đồng vay tài sản, khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì giấy viết tay có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên trong hợp đồng vay tài sản phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản được quy định cụ thể trong mỗi hợp đồng và phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên nhưng phải tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

3. Giấy vay tiền viết tay có cần phải công chứng?

Hiện nay, hình thức văn bản của hợp đồng vay tài sản không có quy định bắt buộc về việc công chứng, chứng thực. Vì vậy, các bên có thể lựa chọn việc công chứng hoặc không công chứng hợp đồng vay tài sản:

- Trường hợp các bên lựa chọn công chứng hợp đồng vay tài sản thì tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ là người làm chứng cho hợp đồng vay tài sản, hợp đồng có hiệu lực khi các bên đồng ý các thỏa thuận và tổ chức hành nghề công chứng tiến hành công chứng hợp đồng đó.

- Trường hợp các bên lựa chọn không công chứng hợp đồng vay tài sản, nhưng các bên đạt được thỏa thuận và ký kết vào hợp đồng vay, khi đó hợp đồng vay tài sản có giá trị pháp lý và là hợp đồng hợp pháp.

Mặc dù hợp đồng vay tài sản trong cả 02 trường hợp công chứng hoặc không công chứng đều có giá trị pháp lý tuy nhiên khi xảy ra tranh chấp, hợp đồng có công chứng sẽ giúp cho việc chứng minh khoản vay dễ dàng hơn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị thiệt hại hơn so với hợp đồng vay không có công chứng.

Nhật Anh 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 25,210

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]