Chiếm đoạt tiền từ thiện bị xử lý như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
09/10/2021 16:23 PM

Từ thiện là việc làm tốt đẹp, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh. Tuy nhiên, không ít trường hợp lợi dụng kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt số tiền này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý nghiêm theo quy định.

Chiếm đoạt tiền từ thiện bị xử lý như thế nào?

Chiếm đoạt tiền từ thiện bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

Hiện nay, theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP, công tác tổ chức vận động, tiếp nhận, phân bổ và sử dụng tiền, hàng đóng góp trong mỗi cuộc vận động khắc phục hậu quả thiên tai phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Trách nhiệm hành chính

Nếu người kêu gọi quyên góp từ thiện có một trong các hành vi trên thì căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, còn bị tịch thu toàn bộ số tiền đã kêu gọi, quyên góp được.

Trách nhiệm hình sự

Bên cạnh đó, nếu hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, cần xác định "hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện" có trước hay sau việc kêu gọi từ thiện.

- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối trong trường hợp kêu gọi quyên góp từ thiện có thể là đưa ra thông tin giả để làm cho người khác tin và giao tài sản cho người phạm tội.

Mức phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản.

- Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, hành vi làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vạy, mượn, thuê tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối để bỏ trốn hoặc chiếm đoạt tài sản đó.

Trong trường hợp kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, hành vi chiếm đoạt tài sản có thể là hành vi không thực hiện đúng cam kết ban đầu, cũng không trả lại số tiền đã quyên góp bằng các thủ đoạn gian dối như: rút bớt tài sản, giả mạo bằng chứng từ.

Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hoàng Thảo

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,701

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn