Kiến nghị giảm thuế còn 17% cho DN nhỏ và vừa

18/10/2016 07:49 AM

Chính phủ sẽ trình Quốc hội Nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp tại Kỳ họp thứ 2 (khai mạc ngày 20/10/2016).

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), nội dung xuyên suốt của Nghị quyết này là giảm thuế cho tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Trao đổi với báo chí, ông Thi cho biết tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) xuống 17% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ năm 2017 đến hết năm 2020.

Lý giải việc chỉ kiến nghị giảm thuế đến hết năm 2020, ông Thi cho biết, trong giai đoạn 2014-2015, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, trong khi doanh nghiệp lớn phải chịu thuế 22%. Kể từ ngày 1/1/2016, tất cả doanh nghiệp phải chịu chung một mức thuế suất là 20%.

Ngày 29/4/2016, lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ, ngành tổ chức cuộc họp với cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM và đặt mục tiêu, đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng này.

Thuế suất 20% được quy định trong Luật thuế TNDN, nghị quyết không thể quy định mức thuế suất mới áp dụng lâu dài được, vì vậy, Bộ Tài chính mới kiến nghị áp dụng thuế suất 17% có thời hạn. “Trong thời gian này, chúng tôi sẽ nghiên cứu để sửa Luật thuế TNDN, mức thuế suất phổ thông bao nhiêu, có tiếp tục ưu đãi hay không, ưu đãi cho đối tượng nào do Quốc hội quyết định”, ông Thi nói với báo Đầu tư.

Lãnh đạo Vụ Chính sách thuế khẳng định việc giảm thuế nói trên khiến ngân sách giảm thu không nhiều. Nếu lấy tiêu chí doanh thu không quá 20 tỷ đồng như quy định tại Luật thuế TNDN thì ngân sách giảm thu 473 tỷ đồng/năm. Còn nếu lấy tiêu chí doanh thu không quá 100 tỷ đồng như Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì ngân sách giảm thu khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. “Bù lại, với chính sách ưu đãi, khuyến khích này hàng năm sẽ có thêm hàng chục ngàn doanh nghiệp thành lập mới, số thu ngân sách nhờ đó tăng lên”, ông Thi nhận định.

Cùng với các doanh nghiệp nhỏ vừa vừa, Bộ Tài chính cũng kiến nghị áp mức thuế suất thuế TNDN 17% trong giai đoạn 2017-2020 đối với doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up). Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chí cụ thể về start-up.

Tuy nhiên, theo ông Thi, tuyệt đại đa số start-up đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên họ cũng được hưởng ngay thuế suất thuế TNDN 17% sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, chứ không phải đợi đến khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chí.

Một trong những nội dung được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đó là việc lấy lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Thi cho biết hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và điều đáng mừng là nhiều “ông lớn” bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tư vào nông nghiệp có độ rủi ro rất cao, không chỉ phụ thuộc vào thị trường, mà còn phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên, thời tiết, dịch bệnh. Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần có nhiều chính sách, giải pháp.

“Chính vì vậy, trong lĩnh vực tài chính, chúng tôi kiến nghị cho phép sử dụng tiền lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác”, ông Thi giải thích.

Thành Đạt

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,215

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn