Làm luật kiểu “chạy tiếp sức” đến bao giờ?

27/09/2016 09:28 AM

Trong lịch sử của cơ quan lập pháp, việc phải tạm hoãn thi hành và sửa đổi khi một đạo luật còn chưa có hiệu lực như trường hợp của Bộ luật Hình sự năm 2015 là hy hữu và đáng tiếc. Ngay khi phát hiện Bộ luật có sai sót, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát, sửa đổi, bổ sung để kịp trình QH tại Kỳ họp thứ 2 tới. Dẫu vậy, với áp lực về thời gian và cả cách làm luật theo kiểu “tiếp sức” của các cơ quan liên quan, thẩm tra dự án này, các thành viên Ủy ban Tư pháp vẫn không khỏi lo ngại về chất lượng của dự luật.

Chỉ sửa những điều cần thiết nhất

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được QH Khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của QH về việc thi hành Bộ luật này, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh một số sai sót kỹ thuật, quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng của Bộ luật. Ngay sau đó, UBTVQH đã chỉ đạo một tổ công tác liên ngành do Ủy ban Tư pháp chủ trì rà soát từng điều khoản của Bộ luật. Kết quả là có tới 141 điều luật sai sót. Lý giải về số lượng điều luật tăng khá nhiều so với kết quả rà soát ban đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, các sai sót chủ yếu về mặt kỹ thuật nhưng một lỗi có thể ảnh hưởng đến một chùm các điều luật. Vì thế, phạm vi của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự khá lớn.

Vấn đề là nên sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng nào? Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, qua quá trình rà soát, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: Khắc phục triệt để những điểm chưa hợp lý, trong đó, giải quyết đồng bộ những vấn đề liên quan đến việc lượng hóa các tình tiết mang tính định tính trong Bộ luật, nhất là các mức định lượng về hậu quả (tính mạng, sức khỏe và tài sản). Đồng thời, dự án Luật sửa đổi, bổ sung phải xử lý một cách cơ bản các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, mà vấn đề cốt lõi là mối quan hệ giữa việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với khái niệm tội phạm, phân loại tội phạm, mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Sửa đổi toàn diện và căn cơ như vậy là rất lý tưởng, nhưng cái khó là áp lực về thời gian quá lớn. Và nếu vẫn tiếp tục “chạy đua” với thời gian, rất có thể những sai sót mới sẽ lại nảy sinh trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung.

Lo ngại trên của các thành viên Ủy ban Tư pháp là có cơ sở. Bởi lẽ, với Bộ luật Hình sự năm 2015, sai sót chủ yếu do thời gian quá gấp gáp. Chủ trì Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Luật chỉ rõ, Bộ luật Hình sự năm 2015 có 426 điều luật, so với Bộ luật năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2009 đã bổ sung 49 điều, sửa đổi 362 điều. Dự thảo Bộ luật được Chính phủ trình QH Khóa XIII cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2015) và thông qua vào Kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2015). Tại Kỳ họp cho ý kiến, QH cũng quyết định tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật với yêu cầu phải cụ thể hóa định lượng vào hầu hết các tội danh ở các điều luật cụ thể. Khối lượng công việc đồ sộ ấy chỉ được tiến hành trong 6 tháng. Trong khi đó, dự án Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được chuẩn bị và thông qua trong khoảng thời gian lên tới 7 năm, thậm chí, phần các quy định chung được thông qua trước vào năm 1997 và phải 2 năm sau, phần các tội phạm mới được thông qua.

Vì thế, để bảo đảm chất lượng của dự án Luật, các thành viên Ủy ban Tư pháp thống nhất cho rằng, lần này chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những điều khoản cần thiết nhất. Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Luật, nên sửa đổi các quy định rõ ràng có sai sót dẫn đến bỏ lọt tội phạm (các điều luật bỏ trống mức định lượng), hoặc có thể dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật (các điều luật có quy định trùng mức định lượng, cùng một đối tượng tác động nhưng lại quy định ở các điều luật khác nhau mà không có quy định loại trừ), hoặc thiếu nhất quán về chính sách hình sự (chủ yếu là các điều luật ở Phần chung), hoặc chưa phân hóa tội phạm (khung hình phạt gần giống nhau trong cùng một điều luật, hành vi phạm tội ít nguy hiểm hơn lại có khung hình phạt cao hơn)… Ông Luật cũng đề nghị, cần nghiên cứu để sửa đổi các điều luật chưa rõ về nội hàm, không thống nhất thuật ngữ với luật chuyên ngành, sai hoặc không phù hợp về kỹ thuật lập pháp, thiếu linh hoạt trong xử lý tội phạm dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng Bộ luật Hình sự.

Kỷ luật lập pháp phải nghiêm khắc

Cùng với việc phải chấp nhận sửa đổi ở phạm vi hẹp hơn so với mong muốn đang đặt ra, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cũng cho rằng, khó thực hiện được yêu cầu phải lượng hóa chi tiết 100% các cấu thành ở tất cả các điều luật. Chúng ta vẫn phải chấp nhận ở một mức độ nhất định có quy định khung và cần có hướng dẫn thi hành của các cơ quan tư pháp Trung ương - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Nhưng ngay cả khi buộc phải “chấp nhận” như vậy thì cũng chưa thể yên tâm về chất lượng dự án Luật khi hồ sơ dự án Luật được gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan của QH quá gấp. Ngày 23.9, Ủy ban Tư pháp nhận được hồ sơ. Các công việc nghiên cứu bước đầu về dự án Luật được tiến hành gấp rút chỉ trong vài ba ngày để kịp triệu tập Phiên họp toàn thể của Ủy ban, thẩm tra chính thức dự án Luật. Cũng vì gấp rút như vậy, nên ngay cả các cơ quan của QH có trách nhiệm phối hợp thẩm tra dự án Luật cũng hầu như chưa thể có ý kiến chính thức tại Phiên họp này. Dẫu rằng, như Chủ nhiệm Lê Thị Nga chia sẻ, có những vấn đề rất quan trọng liên quan đến điều kiện kinh doanh, pháp nhân… nếu chưa có ý kiến chính thức của Ủy ban chuyên môn của QH, Ủy ban Tư pháp cũng rất lúng túng.

Trong khi đó, bà Nga cũng chỉ rõ, thành phần tham dự Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp rất có vấn đề. Có những bộ, ngành, tổ chức liên quan trực tiếp đến các nội dung sửa đổi, bổ sung chỉ cử cán bộ cấp vụ, cục hoặc chuyên viên tham dự, thậm chí có cơ quan không tham dự. Việc tham dự không đúng thành phần hoặc không tham dự, theo bà Nga, sẽ quay lại trình tự làm luật cũ, làm luật theo kiểu “chạy tiếp sức” thì sao mà chất lượng được?

Sau sự cố đối với Bộ luật Hình sự năm 2015, rất nhiều câu hỏi liên quan đến quy trình xây dựng luật đã được đặt ra, trong đó có cả việc làm luật theo kiểu “chạy tiếp sức” mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã nêu. Thực ra, quy trình làm luật chuẩn mực theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cho phép làm thế. Sự du di, thông cảm trong quá trình làm luật có thể là tiền đề cho những điều luật bị sai sót hoặc khó áp dụng. Vì thế, để bảo đảm chất lượng một dự án luật thì kỷ luật lập pháp phải được thực hiện. Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, kỷ luật đó càng phải nghiêm khắc và triệt để hơn.

Bạch Long

Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,515

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn