Lương ôsin cao hơn lương tiến sỹ học ở Mỹ: Vì sao?

16/09/2016 16:13 PM

Trong tham luận toạ đàm “Tiền lương tối thiểu và an sinh xã hội” diễn ra sáng nay, TS. Đặng Đức Đạm (Nguyên Viện Phó Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TW) đã kể lại một câu chuyện thật mà như đùa, khi lương của tiến sỹ chẳng đủ để trả tiền thuê người giúp việc.

Chuyện ấy xuất phát từ con trai GS Nguyễn Lân Dũng. Theo đó, con trai của GS Dũng sau khi học tiến sỹ ở Mỹ về làm trưởng phòng nghiên cứu công nghệ cao, lương được 3,5 triệu đồng/tháng, không đủ tiền để trả cho chị giúp việc trong nhà vì mức lương là 4 triệu đồng/tháng.

Chuyện thật mà như đùa, TS. Đặng Đức Đạm dẫn nhập vào tham luận của mình, bởi nó đang phần nào phản ánh một trong những vấn đề bất cập của cơ chế tiền lương hiện tại.

Như việc tiền lương “chết đói” nhưng hầu hết các công chức đều sống đàng hoàng; tiền lương rất thấp nhưng để được vào biên chế lại cực kỳ khó; tiền lương không đủ sống nhưng khi đến tuổi nhiều người vẫn không muốn về hưu… TS. Đặng Đức Đạm chỉ ra.

Ông cũng lý giải luôn nghịch lý này bằng những thực tế, bao gồm: thu nhập ngoài lương rất lớn, nhiều khoản thu nhập chưa đưa vào lương (nhà ở, xe cộ, điện thoại,…), lợi thế không phải vật chất (cơ hội học tập, uy tín…).

Giải thích cho nguyên nhân tại sao tiền lương cho khối hành chính sự nghiệp lại bị “hụt hơi”, TS. Đặng Đức Đạm chỉ ra 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, do ngân sách nhà nước eo hẹp. “Tất cả những cuộc cải cách tiền lương trước đây có 1 điểm chung là khi chúng ta tính mức tiền lương phải trả thì tính rất cao nhưng đến khi nhìn vào ngân sách nhà nước không đáp ứng được… Tiền lương lẽ ra phải 3 triệu chẳng hạn nhưng ngân sách chỉ đủ để lên 2 triệu thôi. Cuối cùng Chính phủ phải liệu cơm gắp mắm. Đây chính là nguyên ngân khiến tiền lương của khối hành chính sự nghiệp hiện nay thấp như vậy!”, ông Đạm cho biết.

Thứ hai, “bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu quả”. Ông cho biết: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó thủ tướng phụ trách công tác cải cách hành chính đã nêu con số có tới 30% công chức thuộc dạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, không làm được việc, còn người dân mỗi khi phải đến “cửa quan” đều ngại ngần, bức xức về sự phiền hà, nhũng nhiễu”

Cũng theo số liệu trong tham luận, ông Đạm cho biết riêng biên chế cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên tăng từ 346.379 người năm 2007 lên đến 396.371 người năm 2014 (tăng 49.992 người, tỷ lệ 14,43%). Nếu chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước thì tăng từ 238.668 năm 2007 lên 275.620 người năm 2014 (tỷ lệ 15,48%).

Chính vì thế tinh giản biên chế từ lâu đã được đặt ra như một yêu cầu cấp bách nhưng càng hô hào, càng thực hiện thì bộ máy lại càng phình to, cồng kềnh hơn, ông Đạm nói.

Theo đó, hơn 9 năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132 về tinh giản biên chế song nhìn lại, đội ngũ công chức, người ăn lương, hưởng chế độ không những không giảm đi mà ngày càng đông đảo.

Do đó, theo ý kiến của TS. Đặng Đức Đạm, muốn tăng lương, muốn xoá bỏ được nghịch lý lương phải tinh giản được bộ máy nhà nước.

Đức Minh

Theo CafeF/Trí thức trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,587

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn