Sẽ đưa khoản lỗ do tỉ giá vào giá điện?

08/09/2015 07:43 AM

Đề xuất tính phần lỗ do tăng tỉ giá vào giá thành điện của các tập đoàn sản xuất điện tuy chưa được thông qua nhưng vấp phải nhiều ý kiến phản đối

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa kiến nghị Bộ Công Thương cho tính khoản chênh lệch tỉ giá 1.200 tỉ đồng của tập đoàn này vào giá thành điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì cho biết tỉ trọng điện của TKV chỉ chiếm 10%-15% toàn hệ thống nhưng đã phát sinh khoản lỗ nói trên. Như vậy, nếu cộng tất cả số liệu của ngành điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ tỉ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỉ đồng. Do vậy, EVN cũng đang thống kê số liệu báo cáo Bộ Công Thương để có hướng giải quyết.

Phải hạch toán rõ ràng

Các chuyên gia kinh tế đều thừa nhận lỗ do chênh lệch tỉ giá là điều mà tất cả doanh nghiệp (DN) đều phải đối mặt và khoản lỗ này được hạch toán vào giá thành là hợp lý về nguyên tắc nhưng nguyên tắc này chỉ được áp dụng với các DN cạnh tranh trên thị trường và kinh doanh những loại hàng hóa bình thường. Còn với ngành điện, hạch toán như thế sẽ bất lợi cho người tiêu dùng bởi đây là ngành kinh doanh độc quyền.

Khai thác than ở Công ty Than Hà Lầm (Vinacomin), Quảng Ninh

“Các con số cần phải công khai, minh bạch và đặc biệt là có cơ chế giám sát, không thể để ngành điện tự tính, tự công bố, tự xin điều chỉnh. Chính phủ cần có cơ quan độc lập để kiểm toán ngành điện thì mới bảo đảm được” - TS Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.

Theo ông Doanh, nếu điều chỉnh tỉ giá làm tăng giá nhập khẩu thì phải hạch toán rõ ràng phần bị tác động tăng (ví dụ như giá nhập than, nhập khí nếu có). Các khoản khác không bị ảnh hưởng từ tỉ giá thì cần tính riêng, tránh nhập nhèm. “Người dân mùa hè vừa qua đã phải chịu giá điện cao vì bậc thang chưa hợp lý rồi. Cuối năm, kinh tế còn khó khăn mà giá điện lại được đề xuất tăng không thuyết phục thì không ổn”- ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng cần làm rõ ảnh hưởng của biến động tỉ giá trong giá điện tác động trực tiếp đến những thành phần nào; nhập nguyên liệu gì, giá ra sao cần rõ ràng thì mới nói chuyện tỉ giá ảnh hưởng. Điện sản xuất trong nước chủ yếu từ thủy điện thì đâu tính đến tỉ giá được. Hơn nữa, Chính phủ hay Bộ Công Thương phải có sẵn cơ chế về việc ứng phó với điều chỉnh tỉ giá. DN mua nguyên liệu thế nào, vay vốn về để đầu tư ra sao thì hợp đồng phải quy định về tiền tệ, tỉ giá và phải theo hợp đồng mà làm, không thể tỉ giá tăng thì bắt người tiêu dùng trả.

Thận trọng, tránh tăng giá điện sốc

PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, không đồng tình kiến nghị hạch toán lỗ do tỉ giá vào giá thành điện và cảnh báo tiền lệ xấu có thể xảy ra. Theo ông Đào, giá điện hiện đã cao, nếu bất cứ biến động nào cũng được tính để “đổ” thêm vào giá thành điện thì không hợp lý.

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, về lý thuyết, các tập đoàn khi vay ngoại tệ và phải trả bằng ngoại tệ thì sẽ chịu một khoản lỗ lớn nếu điều chỉnh tăng tỉ giá. Tuy nhiên, nhà kinh doanh hoàn toàn có thể lường trước được biến động tỉ giá bằng công cụ do ngân hàng cung cấp là hợp đồng mua trước ngoại tệ. Với hợp đồng đó, DN có thể đàm phán với phía ngân hàng mua trước trong tương lai với tỉ giá 2 bên đã thỏa thuận nên có thể không bị thiệt hại nhiều. Hơn nữa, dù phải chịu chênh lệch tỉ giá nhưng bù lại, các DN vay ngoại tệ lại được hưởng lãi suất vay thấp hơn so với vay VNĐ nên không bị thiệt hại lớn.

Ông Trần Viết Ngãi , Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng thời gian gần đây, do biến động của việc nới tỉ giá nên các tập đoàn lớn như EVN, TKV… có vay vốn bằng USD để đầu tư, nhập nguyên vật liệu đã bị lỗ. Nếu đưa khoản lỗ tỉ giá này vào giá điện thì giá bán lẻ điện bình quân chắc chắn sẽ bị tác động không hề nhỏ. Bởi vậy, cần kiểm soát chặt các khoản lỗ này và hết sức thận trọng trong việc xem xét phân bổ khoản lỗ để tránh tình trạng giá điện tăng sốc, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Một chuyên gia từng hoạt động trong ngành thống kê cho rằng tác động của giá điện lên cả nền kinh tế là rất lớn, thậm chí có thể lớn hơn con số mà Tổng cục Thống kê dự báo cho đợt tăng giá điện 7,5% vào đầu năm. Kinh tế có dấu hiệu đi lên thì nhu cầu dùng điện càng lớn, khi đó giá điện tăng sẽ cản trở phát triển. Còn nếu như kinh tế giẫm chân tại chỗ thì giá điện cao khiến áp lực chi phí đầu vào lớn, lại càng khiến nền kinh tế không thể tiến lên được. Chưa kể các tác động trực diện đến chỉ số lạm phát mà chúng ta hết sức giữ gìn.

Trình Chính phủ xem xét

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - ông Đinh Thế Phúc - cho biết DN có hoạt động vay vốn ngoại tệ và mua nguyên vật liệu đều chịu ảnh hưởng từ tỉ giá trong thời gian qua. Nếu chênh lệch tỉ giá lớn sẽ ảnh hưởng giá bán lẻ điện, ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh. “Khi có biến động tỉ giá, chúng tôi đã yêu cầu DN tính toán lại và báo cáo. Sau đó cân đối khả năng chịu đựng của DN cũng như tác động cụ thể tới giá bán lẻ điện ra sao để có biện pháp cụ thể. Trường hợp chênh lệch lớn sẽ có thảo luận với Bộ Tài chính” - ông Phúc thông tin.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định diễn biến tỉ giá thời gian qua đã tác động đến sản xuất, kinh doanh của một số DN. Tuy nhiên, với kiến nghị nhằm bù đắp vào giá thành sản xuất điện thì Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và gửi ý kiến trình Chính phủ xem xét.

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:

DN thường... hay quên

Khi DN tính toán bài toán lỗ lãi, họ chỉ tính có một phần. Ví dụ, trước đây vay 1 triệu USD tương đương với 20 tỉ đồng. Nếu điều chỉnh tỉ giá lên 22.000 đồng, DN sẽ nghĩ mình bị lỗ 2.000 đồng/USD. Thế nhưng, điều DN thường quên là trong nhiều năm qua, khi họ vay ngoại tệ thì chênh lệch lãi suất USD rất lớn so với lãi suất vay bằng VNĐ. DN đã hưởng lợi rất nhiều từ chênh lệch này bởi đã tiết giảm chi phí và đưa vào lợi nhuận. Việc TKV than lỗ đang dấy lên lo ngại DN lợi dụng việc tăng tỉ giá để đổ lỗi rằng “không có trong kế hoạch kinh doanh” và viện cớ đó để tăng giá.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing :

Không ổn!

Kinh doanh thua lỗ là bình thường nhưng việc DN kêu lỗ vì tỉ giá tăng và kiến nghị bù lỗ vào giá thành sản xuất điện là không ổn. Giá điện là do nhà nước kiểm soát và nếu tỉ giá giảm thì giá điện có giảm không?

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long:

Phải thẩm định kỹ

Có nhiều yếu tố cấu thành giá điện như tỉ giá, giá nhiên liệu, sản lượng điện trong từng loại (thủy điện, nhiệt điện…) và giá bán điện cạnh tranh của từng DN. Do đó, việc TKV cho rằng chênh lệch tỉ giá làm phát sinh khoản lỗ 1.200 tỉ đồng và đề xuất đưa khoản lỗ này vào giá thành điện là có lý do nhưng cần cân nhắc kỹ. Khoản lỗ 1.200 tỉ đồng cũng cần được rà soát, tách bạch, rõ ràng về các khoản chi, các khoản đầu tư chứ không thể gom vào rồi xin tính vào giá thành sản xuất điện để người dân phải gánh.

Trên thực tế, ngoài TKV, có nhiều đơn vị khác như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty con của EVN cũng sản xuất điện rồi bán cho EVN theo giá điện cạnh tranh. Nếu TKV tăng giá bán điện cho EVN nhưng các đơn vị khác không thay đổi thì giá điện đến người tiêu dùng sẽ không tăng. Đề xuất của TKV chỉ là một phần, một yếu tố cấu thành có thể làm tăng chi phí giá thành sản xuất điện. Nếu EVN tích cực giảm các khoản chi phí đầu vào như tổn thất điện, tăng năng suất lao động… sẽ làm tổng chi phí giá thành điện giảm và như vậy không cần tăng giá bán điện.

Việc điều chỉnh tỉ giá làm phát sinh lỗ của TKV là bất khả kháng do tập đoàn này nhập nhiều máy móc thiết bị từ nước ngoài. Điện là ngành độc quyền, nếu đề xuất tăng giá bán cần có tổ chức độc lập thẩm định giá cụ thể và cần sự nghiên cứu, xem xét của nhiều bộ, ngành chứ một mình Bộ Công Thương không thể quyết định được.

Phương Nhung

Theo Người Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,504

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]