Công an được giữ phương tiện gây tai nạn trong bao lâu?

05/09/2016 10:21 AM

Theo luật sư, trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, cơ quan công an chỉ có thể giữ phương tiện gây tai nạn trong vòng 7 ngày; trong trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 30 ngày.

Khi người tham gia giao thông gây ra tai nạn sẽ bị công an giữ phương tiện giao thông. Trong nhiều trường hợp, do thiếu hiểu biết pháp luật mà người có phương tiện bị tạm giữ không bảo vệ được quyền lợi của mình. Trong chương trình "Ba phút cùng luật sư" kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, sẽ tư vấn chi tiết cho bạn đọc về thời hạn công an được quyền giữ phương tiện và quyền lợi của người có phương tiện bị tạm giữ.

Công an được phép giữ phương tiện gây tai nạn tối đa không quá 30 ngày

Thưa luật sư, một bạn đọc cho biết họ điều khiển xe gắn máy chạy lấn tuyến và va chạm với một xe máy khác, gây thương tích nhẹ cho người ngồi phía sau xe. Trường hợp này bạn đọc trên sẽ bị xử lý như thế nào thưa ông?

Đối với các hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội mà sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Dựa trên những thông tin bạn cung cấp có thể xác định được hành vi của bạn là vi phạm hành chính. Theo đó, ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan người điều khiển và phương tiện vi phạm.

nguyễn đức chánh

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, công an chỉ được giữ phương tiện giao thông gây tai nạn tối đa là 30 ngày

Thưa luật sư, bạn đọc này cũng cho biết là đã nộp phạt và cũng đã thương lượng, bồi thường xong cho phía bên kia nhưng công an vẫn giữ xe của bạn đọc này đến nay đã là 2 tháng. Do đó, bạn đọc muốn hỏi thời gian tối đa để công an phải xử lý trả xe cho họ là bao lâu?

Theo khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.

Như vậy, theo quy định trích dẫn ở trên, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đến thời điểm này là hai tháng kể từ ngày bị tạm giữ và bạn cũng đã đóng phạt xong, bồi thường xong nên việc cơ quan công an giữ xe của bạn là chưa đúng quy định pháp luật.

Vậy bạn đọc này cần làm những thủ tục gì để lấy lại xe của mình? Nếu phía công an không giải quyết thì bạn đọc này phải làm sao?

Trường hợp của bạn, thời hạn giữ xe đã quá thời hạn theo quy định và bạn đã thực hiện nghĩa vụ nộp phạt hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cơ quan công an vẫn chưa trả lại xe, thì bạn có thể làm đơn gửi khiếu nại lên cơ quan công an đang giải quyết hồ sơ vụ việc để yêu cầu xem xét, giải quyết việc trả lại xe cho mình theo luật định.

Nếu không được giải quyết đúng thời hạn bạn có quyền khởi kiện hành chính về hành vi hành chính của cơ quan công an tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính 2015.

Vâng, xin cảm ơn THƯ VIỆN PHÁP LUẬT và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)

Theo Dân trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,824

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]