- Trong Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, theo ông những vấn đề nào đáng chú ý nhất?
- Về nội dung Luật Biển, các nhà soạn thảo đã hoàn toàn bám vào Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 để chi tiết hóa thành các điều khoản; hay nói cách khác là nội luật hóa các quy định của quốc tế để trở thành văn bản pháp luật có thể dễ hiểu, dễ áp dụng hơn trên thực tế.
Luật Biển Việt Nam đã chi tiết hóa tương đối đầy đủ các vấn đề quan trọng nhất là xác định các vùng biển, quy chế pháp lý từng vùng biển. Luật quy định rõ tàu thuyền các nước có quyền gì, có được tự do hàng hải hay không. Từ đó áp dụng các biện pháp xử lý trong trường hợp tàu nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật. Theo tôi, đây là nội dung quan trọng nhất mà Luật Biển Việt Nam đạt được.
Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Pháp luật quốc tế - ĐH Luật Hà Nội, từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Luật Biển tại Bỉ. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Luật Biển của Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc của công ước Quốc tế năm 1982, vậy tại sao Trung Quốc lại phản ứng?
- Các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông hiện căn cứ vào "đường lưỡi bò". Tuy nhiên về "đường lưỡi bò", Trung Quốc không những gặp sự phản đối của các nước trong khu vực mà thế giới đều thấy yêu sách này đưa ra quá mơ hồ. Một đường biên giới không có vị trí, tọa độ, không xuất phát từ đất liền và các vùng miền được quy định trong Công ước 1982.
Theo đó, mỗi quốc gia ven biển xác định vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp đó là vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Mỗi vùng như vậy có phương diện pháp lý khác nhau. Vùng kinh tế lãnh hải và thềm lục địa không thuộc bộ phận lãnh thổ nhưng trong vùng biển đó, quốc gia ven biển có một số thẩm quyền riêng biệt như khai thác bảo tồn tài nguyền.
Yêu sách "đường lưỡi bò" hoàn toàn không dựa vào bất kỳ quy phạm pháp luật quốc tế nào, vì thế không phù hợp với công ước và các quy phạm pháp luật quốc tế.
- Nhưng diễn biến thực tế hiện không như quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam cần phải làm gì để bảo vệ và khai thác vùng biển chủ quyền?
- Nếu như trên thực tế một quốc gia cố tình cản trở việc thực thi quyền được ghi nhận thì theo tôi nên áp dụng các biện pháp kiên quyết trong giới hạn, phạm vi mà công ước quy định như quyền đàm phán, thương lượng, đưa ra các diễn đàn khu vực, quốc tế. Đây là biện pháp được tất cả quốc gia ưu tiên trong giải quyết xung đột, mâu thuẫn phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng biển. Tuy nhiên, phải tránh xung đột quân sự vì đây là việc không ai muốn.
- Trong trường hợp Việt Nam thực thi theo đúng luật của mình, tuân thủ luật quốc tế nhưng vẫn bị các tàu thuyền, lực lượng của nước khác cản trở, xâm hại. Lúc đó quyền phòng vệ chính đáng sẽ được giới hạn tới đâu?
- Quyền phòng vệ trong luật quốc tế có quy định nhưng chỉ được áp dụng khi bị tấn công bằng vũ lực, tức là các biện pháp quân sự. Khi đó tàu thuyền của phía bị xâm hại sẽ được sử dụng các biện pháp quân sự để đáp trả. Trong trường hợp đó quốc gia được quyền phòng vệ chính đáng. Với các hoạt động khác như tàu cá nước khác đánh bắt cá trái phép thì không thể sử dụng vũ lực mà chỉ có thể có quyền truy đuổi, yêu cầu dừng hành vi. Nếu bắt được tàu thì dẫn giải về đất liền, áp dụng theo đúng trình tự xử phạt hành chính.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: Quân đội Nhân dân. |
- Ông đánh giá như thế nào về sức mạnh chấp pháp trên thực địa của Việt Nam hiện nay?
- Luật Biển là tiền đề, hành lang pháp lý quan trọng nhưng để đưa luật vào cuộc sống ta cần lực lượng chấp pháp. Với 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế được quy định trong luật, đòi hỏi chúng ta phải có năng lực, khả năng trên thực địa để bao quát, biết được những hành vi vi phạm trong vùng biển của mình.
Chúng ta hiện thiếu sức mạnh chấp pháp trên biển, đây là điều mà ai cũng thấy rõ. Tôi cho rằng, chúng ta phải chú trọng nâng cao năng lực để bao quát vùng biển của mình. Đây là vấn đề cấp thiết, song với điều kiện hiện nay, muốn hệ thống quản lý trên biển hoàn thiện, có hiệu quả thì không thể "một sớm một chiều". Phải có định hướng, chính sách, cụ thể hóa, làm đâu chắc đó, tham vọng ngay một lúc thì không được.
Để xây dựng lực lượng chấp pháp, Việt Nam có thể học hỏi ngay các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Singapore, thậm chí từ Trung Quốc.
- Theo ông, sau khi Việt Nam có Luật Biển sự khác biệt trong ứng xử của các bên sẽ là gì?
- Theo tôi cách hành xử của Việt Nam từ các vụ cắt cáp tàu Bình Minh, Viking, mời thầu dầu khí... đều khẳng định rằng Trung Quốc đã vi phạm Công ước Luật biển. Do vậy, Việt Nam đã yêu cầu họ dừng lại các hành vi. Mỗi vụ việc, bên Trung Quốc chỉ thực hiện hành vi rồi dừng ngay. Cách ứng xử như vậy là trên cơ sở Việt Nam có quyền trong vùng biển của mình, không tồn tại bất kỳ tranh chấp nào. Cách hành xử trên cơ sở phù hợp với Công ước và Luật Biển mà Quốc hội vừa thông qua. Vì vậy theo tôi cách hành xử trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo kiểu biện pháp hòa bình.
Từ tiếp cận đầu tiên đó sẽ tạo được sự chủ động, tạo ra được những định hướng trong giải quyết vấn đề. Có thể là giải quyết song phương kết hợp với đấu tranh trên các diễn đàn... Nếu như xác định vùng biển là thuộc quyền, quyền chủ quyền hay quyền tài phán của mình, chúng ta chủ động xử lý. Còn nếu là vùng tranh chấp, cách hành xử khác. Với cách tiếp cận như vậy, áp dụng biện pháp như thế nào, linh hoạt, cứng rắn sẽ tùy tình huống cụ thể.
Các vùng biển được quy định theo Công ước Luật biển. Mỗi vùng có quy định pháp lý khác nhau. Ảnh: Wikipedia. |
- Phạm vi điều chỉnh của Luật Biển đề cập trực tiếp tới hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong khi đây là vùng đang có tranh chấp. Theo ông cần giải quyết vấn đề này như thế nào để Luật Biển được tôn trọng?
- Để giải quyết tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa, theo tôi các bên phải ngồi lại đàm phán, cố gắng áp dụng các biện pháp hòa bình, tránh một bên đơn phương áp dụng biện pháp loại trừ quyền của quốc gia khác. Ngay Công ước cũng không có cơ chế cụ thể để giải quyết vấn đề này mà phụ thuộc phần lớn vào ý chí, thiện chí của các bên tham gia tranh chấp.
Biển Đông là khái niệm địa lý, nhưng khi tiếp cận cần chia ra nhiều vùng biển với các phạm vi khác nhau. Điều quan trọng của Luật Biển Việt Nam là quy định rõ quyền của Việt Nam với vùng giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Đây là khu vực chúng ta cần thực thi tốt chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán. Hoàng Sa, Trường Sa là một câu chuyện khác, nên tách bạch ra để giải quyết.
Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013. Chương 1 gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, định nghĩa. Chương 2 quy định về vùng biển Việt Nam với các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, quần đảo... Chương 3 quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, trong đó có các quy định: đi qua không gây hại trong lãnh hải, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại, vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải, tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài đến Việt Nam, trách nhiệm của tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, hoạt động của tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài, quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài... Chương 4 dành cho phát triển kinh tế biển, với các điều khoản về nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành kinh tế biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, xây dựng và phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển. Chương 5 quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển, cờ, sắc phục và phù hiệu. Chương 6 quy định về xử lý vi phạm, bao gồm các điều khoản về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm, biện pháp ngăn chặn, thông báo cho Bộ Ngoại giao và xử lý vi phạm. |
Nguyễn Hưng thực hiện