|
Cử tri các tỉnh, thành rất lo lắng trước việc Trung Quốc nhiều lần gây hấn trên biển Đông, xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, bắt cóc đòi tiền chuộc, cắt cáp các tàu thăm dò địa chất, đưa ra yêu sách về đường lưỡi bò... và đề nghị Đảng, QH, Chính phủ đẩy mạnh đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; tăng cường tiềm lực quốc phòng như từng bước hiện đại hóa quân chủng Hải quân, Không quân và Cảnh sát biển; quan tâm hơn nữa các điều kiện đảm bảo cho quốc phòng an ninh tuyến biên giới, hải đảo... định hướng phát triển các ngành kinh tế biển có trách nhiệm cao hơn trong việc đóng góp nâng cao và duy trì tiềm lực cũng như hoạt động của lực lượng quốc phòng - an ninh... để đảm bảo giữ vững an ninh Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất, vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Kiên quyết đấu tranh bảo vệ ngư dân
Trong Công văn số 1022 trả lời kiến nghị trên của cử tri, Bộ Quốc phòng khẳng định trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, QĐND Việt Nam nói chung, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển nói riêng đã được đầu tư cải tiến, sản xuất, mua sắm nhiều phương tiện, trang thiết bị, vũ khí hiện đại; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các đơn vị, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và những đơn vị đóng quân ở những khu vực điều kiện khó khăn, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và biên giới quốc gia. “QĐND Việt Nam nói chung, các quân, binh chủng nói riêng sẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước trong tình hình mới”, Bộ Quốc phòng quả quyết.
Liên quan đến các vấn đề cử tri đặt ra, Bộ Ngoại giao cũng đã có Công văn số 1422 trả lời, trong đó nêu rõ “đối với các hành vi bắt giữ trái phép, ngược đãi ngư dân ta hoặc hành động uy hiếp, tịch thu vô cớ ngư cụ, hải sản, nhiên liệu của các tàu cá Việt Nam, chúng ta đã kiên quyết đấu tranh qua đường ngoại giao và dư luận, yêu cầu chấm dứt những hành động đó; xử lý vấn đề nghề cá phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”.
Bộ Ngoại giao khẳng định Đảng và Chính phủ luôn hết sức quan tâm đến việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân ta trong các vùng biển của Việt Nam.
Về yêu sách phi lý đường lưỡi bò Trung Quốc tự đặt ra, theo Bộ Ngoại giao, tháng 5.2009, ngay sau khi Trung Quốc lần đầu tiên chính thức đưa ra bản đồ thể hiện yêu sách "đường lưỡi bò" tại LHQ, Việt Nam đã gửi công hàm tới LHQ phản đối. “Trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về biên giới lãnh thổ, ta kiên quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Tại các cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề biển Đông, ta đã vạch rõ tính phi lý của yêu sách này và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế. Đến nay, không có bất kỳ nước nào ủng hộ cho yêu sách "đường lưỡi bò"; Indonesia, Philippines cũng có công hàm phản đối gửi LHQ; hầu hết các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đều phê phán mạnh mẽ yêu sách này”, Bộ Ngoại giao cho hay.
Bảo Cầm