27/07/2012 08:38 AM

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hoàng Ngọc Lâm, phó cục trưởng Cục Đo đạc và bản đồ VN (Bộ Tài nguyên - môi trường), cho biết như vậy.

Phần lãnh thổ Việt Nam với địa danh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa viết bằng tiếng Việt thuộc chủ quyền VN được cung cấp tại website của Ủy ban Địa danh Úc (www.icsm.gov.au/cgna/ungegn.html) - Ảnh: Việt Dũng

Ông Lâm nói:

- Việc sưu tầm các tư liệu cổ, bản đồ cổ có liên quan đến chủ quyền quốc gia là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý, lưu trữ tư liệu lịch sử, trong đó có Cục Đo đạc và bản đồ VN. Cơ quan này đã quan tâm từ lâu và hiện đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá một số tài liệu, bao gồm các bản đồ cổ của ông Nguyễn Đình Đầu. Cục cũng đang xúc tiến một dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về bản đồ cổ phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, địa lý và đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

* Một số tổ chức quốc tế cung cấp các dịch vụ trên mạng Internet có sử dụng bản đồ nhưng không thể hiện rõ chủ quyền của VN với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cục giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta từng in 500.000 bản đồ VN với đầy đủ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để cung cấp cho các cơ quan đại diện của VN tại tất cả các nước để tuyên truyền, phổ biến cho các nước, các tổ chức quốc tế biết rõ về lãnh thổ VN. Trước thông tin sai lệch về chủ quyền VN ở các bản đồ trên Google Map, National Geographic, Cục Đo đạc và bản đồ VN đã có những hướng dẫn, giải thích giúp người sử dụng bản đồ trên các trang đó hiểu đúng về các thông tin và có phản ứng đúng mức với các tổ chức trên.

Năm 2011, trước việc Cục Đo đạc và bản đồ quốc gia Trung Quốc đăng tải bản đồ trên website của họ những sai lệch cố ý về chủ quyền quốc gia trên biển Đông, Cục Đo đạc và bản đồ VN đã chính thức gửi công hàm phản đối đến đại sứ quán và Cục Đo đạc và bản đồ quốc gia Trung Quốc, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ “đường lưỡi bò” trên bản đồ trực tuyến tại trang đó.

Ngoài ra, Cục Đo đạc và bản đồ VN còn tham gia dự án “Bản đồ toàn cầu” do Liên Hiệp Quốc khởi xướng nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu địa lý thống nhất toàn thế giới. Phần dữ liệu bản đồ VN được gửi và được cung cấp trên trang web của Ủy ban quốc tế về bản đồ toàn cầu (ISCGM - www.iscgm.org).

Theo đánh giá của ISCGM, dữ liệu của VN là một trong những dữ liệu được tải xuống và sử dụng nhiều thứ hai (sau dữ liệu của Nhật Bản). Điều đó chứng tỏ thế giới rất quan tâm tới bản đồ của VN và chắc chắn qua đó những thông tin về lãnh thổ của VN, trong đó có chủ quyền của VN với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ được phổ biến rộng rãi hơn. Hiện ISCGM có thông báo tới các nước về kế hoạch cập nhật dữ liệu bản đồ toàn cầu và chúng tôi đang chuẩn bị dữ liệu để gửi.

Cục cũng đã tham gia dự án địa giới hành chính cấp 2 - một dự án của Liên Hiệp Quốc với mục tiêu cung cấp địa giới hành chính cấp 2 (tương đương cấp huyện) của các quốc gia làm nền tảng cho việc sưu tập, quản lý, phân tích, hình dung và chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Ngoài việc phục vụ cho các cơ quan bản đồ quốc gia của thế giới, bản đồ này còn cung cấp cho Liên Hiệp Quốc và các cơ quan sử dụng địa danh chuẩn hóa trong công việc. Năm 2010, cục đã thực hiện cập nhật và gửi cho Liên Hiệp Quốc bảng thống kê các đơn vị hành chính đến cấp huyện của VN, trong đó có các địa danh quần đảo “Hoàng Sa” thuộc TP Đà Nẵng, quần đảo “Trường Sa” thuộc tỉnh Khánh Hòa và được thông báo đưa vào sử dụng từ tháng 1-2011.

TS Hoàng Ngọc Lâm - Ảnh: Việt Dũng

"Năm 2009, Ủy ban Địa danh Úc, đại diện của UNGEGN, chủ tịch nhóm chuyên gia về địa danh khu vực đông nam châu Á, tây nam Thái Bình Dương đã hoàn thành bản đồ địa danh được sửa đổi so với bản đồ trước đó và từ điển địa danh khu vực đông nam châu Á, tây nam Thái Bình Dương. Trong các tài liệu này, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều ghi bằng tiếng Việt và thuộc chủ quyền của Việt Nam"

TS HOÀNG NGỌC LÂM

* Thưa ông, chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện trên bản đồ và được các tổ chức đó công nhận như thế nào?

- Dự án địa giới hành chính cấp 2 liên quan chặt chẽ đến các sản phẩm của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về địa danh (UNGEGN). Trong khi đó, với tư cách là đại diện của VN tham dự các phiên họp của UNGEGN, Cục Đo đạc và bản đồ VN đề nghị UNGEGN ghi địa danh quần đảo “Hoàng Sa” và “Trường Sa” bằng tiếng Việt trên bản đồ địa danh khu vực đông nam châu Á, tây nam Thái Bình Dương và được tổ chức này chấp nhận. Việc thuyết phục UNGEGN chấp nhận ghi hai quần đảo này trên bản đồ địa danh khu vực bằng tiếng Việt là một trong những đóng góp của cục trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ VN.

Hiện cục đang triển khai công tác chuẩn hóa địa danh VN thuộc khu vực các tỉnh Trung bộ. Đồng thời, bước đầu triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đại địa danh VN để gửi Liên Hiệp Quốc theo đề nghị của UNGEGN. Các thông tin cơ bản của đại địa danh VN sẽ bao gồm: địa danh viết bằng tiếng Việt, địa danh viết bằng tiếng Anh, phát âm địa danh bằng tiếng Việt và sáu ngôn ngữ quốc tế, tọa độ địa lý của địa danh, hình ảnh về địa danh... Chuẩn hóa địa danh VN để cung cấp cho Liên Hiệp Quốc là công việc hết sức quan trọng và có ý nghĩa, nó sẽ được làm cơ sở để sử dụng trên các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm của tổ chức này, là điều kiện để quảng bá hình ảnh, chủ quyền VN trên toàn thế giới.

* Như vậy, chúng ta đã công bố nhiều bản đồ khẳng định chủ quyền của VN với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, còn với những bản đồ cổ sưu tầm được thì quan điểm của ông về việc công bố này như thế nào?

- Chắc chắn chúng ta phải có kế hoạch tuyên truyền một cách rộng rãi hơn nữa tới mỗi người dân và cộng đồng quốc tế về vấn đề này. Chúng ta phải cho người dân hiểu rõ về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không chỉ được thể hiện trong các bản đồ của VN, bản đồ của các nước mà trong chính những bản đồ do Trung Quốc xuất bản.

KHIẾT HƯNG thực hiện

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,051

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]