Chính sách mới >> Tham nhũng 21/09/2012 08:00 AM

3 phương án cho Ban chỉ đạo TƯ chống tham nhũng

21/09/2012 08:00 AM

Thảo luận dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi chiều nay (18/9), Thường vụ QH vẫn chưa thể ngã ngũ có nên quy định trong luật về Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng.


Có quy định về Ban chỉ đạo trong luật?


Kết luận Hội nghị TƯ 5 về việc “Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Nội chính TƯ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng" khiến cơ quan soạn thảo băn khoăn 3 phương án.

Thứ nhất, luật sẽ thể hiện theo đúng nội dung trong Kết luận. Thứ hai, luật chỉ quy định “Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước" và giao Thường vụ QH quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo này.

Cơ quan thẩm tra - UB Tư pháp của QH - nhận thấy cả hai phương án trên đều không phù hợp với tiền lệ quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, cụ thể là văn bản quy phạm pháp luật của QH không thể quy định tổ chức, hoạt động, chức năng của cơ quan Đảng.

"Đề xuất giao Thường vụ QH quy định tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu cũng không có căn cứ và chưa có tiền lệ", UB Tư pháp chỉ ra.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, cần tăng cường đồng bộ năng lực của các cơ quan tham gia công tác này. Ảnh: VietNamNet


UB Tư pháp nghiêng về phương án thứ ba. Đó là không quy định trong luật về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo này.

Theo đó, Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng là một ban của Đảng, do Ban chấp hành TƯ hoặc Bộ Chính trị thành lập, không tổ chức Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố; tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng và có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo TƯ khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương.

"Phương án này là cách thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết TƯ 4 khóa XI và tuân thủ tiền lệ xây dựng hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng", báo cáo thẩm tra nhận định.

Phương án này cũng được một số ủy viên Thường vụ QH ủng hộ, song vẫn có ý kiến rằng "luật hiện hành có quy định về Ban chỉ đạo mà luật sửa đổi không nói câu nào thì không thuyết phục".

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý thấy phương án hai bảo đảm được sự liên tục của pháp luật. "Dù Ban chỉ đạo là cơ quan thuộc Đảng thì phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị nên vẫn phải có quy định về mặt nhà nước", ông Lý nói.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng "luật phải có chính kiến" và đề nghị ghi rõ trong luật việc tổ chức Ban chỉ đạo TƯ là theo Kết luận Hội nghị TƯ 5.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì chỉ ra việc phòng, chống tham nhũng chỉ căn cứ trên luật pháp: "Ban chỉ đạo TƯ chỉ là một cơ quan chỉ đạo, trực thuộc Bộ Chính trị để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, còn để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, cần tăng cường đồng bộ năng lực của các cơ quan tham gia công tác này như thanh tra, kiểm toán, điều tra, công tố, xét xử, giám sát...".

Do chưa thống nhất, Thường vụ QH chưa kết luận mà yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra làm rõ hơn các căn cứ.

Bố mẹ, vợ chồng, con cái cũng kê khai?


Một vấn đề được thảo luận nhiều là việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản. Chính phủ cho rằng, ngoài những người có chức vụ, quyền hạn theo luật hiện hành, cần bổ sung thêm cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.

UB Tư pháp nhận định việc kê khai tài sản qua 5 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng vẫn còn hình thức, hiệu quả thấp nên yêu cầu quy định cụ thể hơn về cơ quan có thẩm quyền xác minh, ra kết luận; trách nhiệm của người kê khai; phạm vi sử dụng kết luận xác minh; cơ chế giải trình; trình tự, thủ tục, thời gian, mối quan hệ phối hợp trong việc xác minh; khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong việc kê khai, xác minh…

"Có ý kiến còn đề nghị kê khai tài sản, thu nhập của cả bố mẹ, vợ, chồng, con cái (kể cả đã thành niên), anh em ruột của người có nghĩa vụ phải kê khai", Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết.

UB này cũng cho rằng chỉ nên công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tại nơi họ thường xuyên làm việc, công tác để đơn vị giám sát, kiểm tra.

Đồng tình cần có những biện pháp thực chất hơn để kê khai tài sản không còn hình thức, song ông Phan Trung Lý nhấn mạnh điều quan trọng nhất vẫn là phải kiểm soát được thu nhập.

Cơ quan thẩm tra dự thảo luật cũng nhận định: Các cơ quan nhà nước chưa có khả năng và biện pháp kiểm soát được tài sản, thu nhập của mọi công dân, doanh nghiệp, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên.

"Về lâu dài phải sớm có kế hoạch, phương án cụ thể trong việc ban hành các quy định để kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội, như vậy việc kê khai mới phát huy tác dụng trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện tham nhũng", báo cáo thẩm tra chỉ ra.

Dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi dự kiến được xem xét và thông qua tại kỳ họp QH cuối năm nay.

Dự thảo luật quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.


Chung Hoàng 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,733

Bài viết về

Phòng chống tham nhũng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]