Chính sách mới >> Tham nhũng 18/09/2012 17:39 PM

Khó tránh được việc bao che tham nhũng

18/09/2012 17:39 PM

(Dân trí) - “Trên thực tế, việc thực hiện quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng dường như là một nghịch lý. Việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi” - Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu.

Chủ nhiệm UB Tư pháp là người trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi do Thanh tra Chính phủ trình tại UB Thường vụ QH chiều 18/9. Đây là lần đầu tiên dự thảo luật này được phản biện, thẩm tra.

Tranh minh họa: Tham nhũng mà được bao che, dân sẽ mất niềm tin (Lao động)
Tranh minh họa: Tham nhũng mà được bao che, dân sẽ mất niềm tin (Lao động)

Kê khai tài sản hình thức vì thiếu biện pháp kiểm soát thu nhập

Đối với đề xuất mở rộng diện cán bộ phải kê khai tài sản, thu nhập, bao gồm tất cả các đảng viên đang công tác trong các cơ quan tổ chức đơn vị (từ đảng viên là nông dân hoặc đã nghỉ hưu), UB Tư pháp cho rằng, Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cũng như kết quả giám sát, khảo sát của UB cho thấy, việc kê khai, minh bạch tài sản cán bộ thực tế nhìn chung còn hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng rất thấp. Để khắc phục hạn chế, bất cập này thì cùng với việc từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, cần quy định cụ thể những nội dung liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập như việc cơ quan có thẩm quyền xác minh, ra kết luận; trách nhiệm của người kê khai; phạm vi sử dụng kết luận xác minh; cơ chế giải trình; trình tự, thủ tục, thời gian, mối quan hệ phối hợp trong việc xác minh; khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong việc kê khai, xác minh…

Cùng với việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời cũng cần quy định việc kê khai tài sản, thu nhập của cả bố mẹ, vợ, chồng, con cái (kể cả đã thành niên), anh em ruột của người có nghĩa vụ phải kê khai, góp phần khắc phục tính hình thức và hiệu quả thấp trong công tác kê khai, minh bạch tài sản thời gian qua.

Với nội dung công khai bản kê tài sản, thu nhập hàng năm tại nơi công tác và cư trú của cán bộ, cơ quan thẩm tra nhận định, luật Phòng chống tham nhũng hiện hành chưa quy định về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập mà chỉ quy định việc công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú của cán bộ là nhằm mục đích để cơ quan, tổ chức hoặc cộng đồng dân cư tại nơi cư trú giám sát tính trung thực trong việc kê khai để ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng, khắc phục tính hình thức và kém hiệu quả trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

“Một trong những nguyên nhân cơ bản của việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, chưa hiệu quả là do các cơ quan nhà nước chưa có khả năng và biện pháp kiểm soát được tài sản, thu nhập của mọi công dân, doanh nghiệp, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên. Do đó, căn cơ về lâu dài, Nhà nước phải sớm có kế hoạch, phương án cụ thể trong việc ban hành các quy định để kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội. Có như vậy mới bảo đảm cho việc kê khai tài sản, thu nhập thực sự phát huy được tác dụng trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện tham nhũng” - Báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay, nhiều thành viên UB Tư pháp vẫn nghiêng về quan điểm chỉ công khai bản kê khai tài sản của cán bộ tại nơi công tác để đơn vị giám sát, kiểm tra, tăng cường trách nhiệm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai cũng như trong việc tự giác bảo đảm tính hợp pháp của tài sản, thu nhập do mình quản lý. Mặt khác, một số ý kiến đề nghị công khai Bản kê khai tài sản cả ở nơi công tác và nơi cư trú để đồng nghiệp nơi công tác và nhân dân, cử tri nơi cư trú có điều kiện giám sát việc kê khai góp phần phòng, chống tham nhũng.

“Lờ” tham nhũng, đỡ trách nhiệm?!

Đối với nội dung quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi của cơ quan này khi có yêu cầu, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định, đây là một khái niệm hoàn toàn mới trong quan hệ hành chính và quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, quy định mới bổ sung trong dự thảo Luật này lại chưa quy định rõ về nội hàm, bản chất của mối quan hệ này, nhất là hậu quả pháp lý về vấn đề trách nhiệm. Điều đáng lưu ý, dự thảo Luật lại chưa quy định về căn cứ, yêu cầu, điều kiện của việc giải trình; cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu giải trình; trách nhiệm của người giải trình cũng như việc sử dụng kết quả giải trình; cách thức, thời hạn và hậu quả pháp lý của việc giải trình… Cơ quan thẩm tra cảnh báo, nếu không quy định rõ các nội dung này, thì sẽ không có khả năng thực hiện được trên thực tế.

Về nội dung xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng, UB Tư pháp nhận xét, việc thực hiện quy định này lâu nay còn gặp lúng túng, ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trong Luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm.

Cho đến nay, Quốc hội chưa ban hành Luật công vụ, trong đó xác định cụ thể phạm vi trách nhiệm của từng vị trí công tác, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Chưa có quy định khái niệm về người đứng đầu, chẳng hạn khi có hành vi tham nhũng xảy ra ở một bộ, ngành thì người đứng đầu được xác định là Trưởng phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng hay Bộ trưởng; tương tự như vậy ở địa phương khi có một hành vi tham nhũng xảy ra thì người đứng đầu là ai và trách nhiệm của từng vị trí quản lý đến đâu chưa được làm rõ.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cũng chỉ ra, ngay dự thảo luật sửa đổi có những quy định còn chung, chưa rõ ràng nên rất dễ triệt tiêu hiệu quả của nhau. Cụ thể, khoản 1 Điều 68 quy định “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách” và khoản 1 Điều 72 nêu rõ “ thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện tham nhũng” (khoản 1 Điều 72). Trên thực tế, việc thực hiện các quy định này dường như là một nghịch lý, thủ truởng cơ quan quản lý nhà nước càng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức mình thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng trong phạm vi thẩm quyền do mình quản lý.

“Do đó, việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi mặc dù trong dự án Luật đã có quy định “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý… nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết, ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng” – ông Hiện phân tích.

UB Tư pháp cho rằng, nội dung này cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, quy định rõ và cụ thể hơn để góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện nay.

P.Thảo

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,750

Bài viết về

Phòng chống tham nhũng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]