Chính sách mới >> Tham nhũng 10/08/2012 12:52 PM

Chống tham nhũng: Giám sát cả gia đình quan chức

10/08/2012 12:52 PM

Văn hóa tham nhũng bản sắc VN: Chồng kiếm tiền về là để đưa cho vợ con, người thân. Tham nhũng cũng vậy, người thực hiện là cá nhân nhưng thụ hưởng là vợ/chồng, con cái, người thân của họ.

Ngày 8-8, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, chuẩn bị cho việc trình QH xem xét, quyết định vào kỳ họp cuối năm. Chỉ sau đó một ngày, tại Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ QH mở hội thảo về vai trò của QH trong PCTN. Điều đó cho thấy tính thời sự, cấp bách của chủ đề này.

Ngày 9-8, tại hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc rất băn khoăn bởi QH vẫn “xuân thu nhị kỳ” - một năm hai tháng họp, còn lại 10 tháng, gần như cơ quan quyền lực nhà nước dân cử không hoạt động. Như thế, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao đã khó trọn vẹn chứ đừng kỳ vọng nhiều vào PCTN. Nhưng cho dù “bế tắc” như vậy, nhiều ý kiến cho thấy vẫn còn nhiều việc phải bàn, phải làm.

Tham nhũng ngày càng công khai, trắng trợn

Ông Lê Văn Lân, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, trích dẫn các văn kiện của Đảng, báo cáo của Chính phủ từ năm 2006 đến gần đây nhất là Hội nghị Trung ương 5, tháng 5-2012. Tất cả đều dùng từ “nghiêm trọng”, “phức tạp”, “tinh vi”, “đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”, “thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”… để mô tả về nạn tham nhũng. Nhưng với ông Lê Nam, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa, tham nhũng thời gian qua còn có những sắc thái khác, đáng lo ngại hơn. “Tôi cho là tham nhũng thực tế đang diễn ra khắp nơi, công khai, trắng trợn, thách thức. Thậm chí người dân - nạn nhân của tham nhũng có xu hướng chấp nhận sống chung với tham nhũng. Người dân mất niềm tin nghiêm trọng về công cuộc PCTN. Chúng ta nói rất nhiều nhưng làm rất ít, kể cả QH” - ông bổ sung.

Ông Lê Nam, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: “QH không chỉ sửa luật theo tinh thần nghị quyết của Đảng mà quan trọng hơn, tới đây phải đưa ra những tiêu chí, tìm được người ái quốc, trong sạch đảm đương công việc khó khăn này”. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Nguyên nhân có rất nhiều, song theo ông Lân - người đang tham gia vào quá trình sửa Luật PCTN - có phần từ hạn chế của luật hiện hành. Về mặt pháp lý, tham nhũng hiện được định nghĩa với ba dấu hiệu: người có chức vụ quyền hạn; lợi dụng chức vụ quyền hạn; và có động cơ vụ lợi. Nhưng thực tế thời gian qua đã phát hiện nhiều vụ tham nhũng mà đối tượng là người ngoài xã hội, cấu kết với người có chức vụ quyền hạn để tham nhũng. Ngoài ra, luật hiện hành chưa đả động tới khái niệm làm giàu bất hợp pháp và để bên lề trách nhiệm của pháp nhân khi thực hiện hành vi tham nhũng.

Cần chú ý đến “bản sắc” Việt Nam

Ở khía cạnh khác, GS-TS Đinh Văn Mậu, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ ra rằng PCTN đến nay chưa chú ý tới mặt đặc thù, mang tính văn hóa, truyền thống của tham nhũng ở Việt Nam. “Văn hóa của phương Tây là cá nhân luận. Họ cũng có gia đình nhưng mỗi thành viên có tài khoản, tài sản riêng, chỉ là cùng trích ra để duy trì cuộc sống chung. Còn ta là tổng thể luận, trong đó gia đình là nền tảng xã hội. Chồng kiếm tiền về là để đưa cho vợ con, người thân. Tham nhũng cũng vậy, người thực hiện là cá nhân nhưng thụ hưởng là vợ/chồng, con cái, người thân của họ” - ông nhấn mạnh.

Từ góc độ này, GS Mậu cho rằng PCTN mà chỉ nhằm tới cá nhân người thực hiện hành vi tham nhũng là chưa đủ. Và sẽ không thể phát hiện ra tham nhũng nếu không coi vợ/chồng, con cái, người thân của quan chức là đối tượng phải giám sát.

Giải trình cả nguồn gốc tài sản

Theo ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - cơ quan chủ trì dự thảo Luật PCTN sửa đổi, lần này việc sửa luật sẽ phải dựa vào những quan điểm mới của Đảng. Cụ thể, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đặt ra yêu cầu công khai trong chi bộ bản kê khai tài sản, giải trình nguồn gốc tài sản và nếu không giải trình minh bạch, hợp lý thì phải bị xem xét kỷ luật. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) yêu cầu cao hơn, phải công khai bản kê khai tài sản ở cả nơi công tác và nơi cư trú, có cơ chế để chủ động xác minh bản kê khai tài sản, người đứng đầu làm trước và thật sự gương mẫu để các cấp noi theo…

Bình luận về định hướng này, TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế-Luật, cho rằng vấn đề kê khai tài sản - một nội dung lớn của minh bạch tài sản - cho đến nay chưa giải quyết được ba câu hỏi: kê khai cái gì, với ai và để làm gì. “Đọc những văn bản hưởng dẫn vấn đề này, tôi cảm thấy cơ quan soạn thảo rất dè dặt” - ông Điện bày tỏ.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Điện mong muốn kê khai tài sản không thể chỉ dừng ở giá trị tài sản mà phải ở cả nguồn gốc hình hành. Đối tượng kê khai không chỉ là quan chức, mà phải gồm cả vợ, con họ. Có vậy mới ngăn ngừa tẩu tán tài sản, hạn chế động lực tham nhũng, đối đầu với “văn hóa tham nhũng mang bản sắc Việt Nam” như GS Đinh Văn Mậu đề cập. Tương tự, việc minh bạch tài sản phải hướng tới công khai với cử tri, để mọi người dân đều có thể tiếp cận, lấy bản sao kê khai tài sản của bất kỳ quan chức nào một cách miễn phí.

QH phải độc lập hơn

Muốn PCTN thành công thì lập pháp phải độc lập tương đối với hành pháp. Cần có lộ trình hướng tới một cơ quan lập pháp chuyên trách, với những ĐBQH chuyên trách, hoạt động thường xuyên. Luật được QH thông qua cần chi tiết để có thể áp dụng ngay mà không phụ thuộc vào hướng dẫn của Chính phủ. Như thế mới giảm nguy cơ tham nhũng từ giải thích luật theo hướng có lợi cho nhóm lợi ích.

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN,
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật

NGHĨA NHÂN

Theo phapluattp.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,173

Bài viết về

Phòng chống tham nhũng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]