Chính sách mới >> Tham nhũng 08/08/2011 09:52 AM

Dấu hiệu tham nhũng trong lĩnh vực tư

08/08/2011 09:52 AM

Báo Lao Động (số 180) đã thông tin về thái độ thách thức, chống đối của giám đốc Cty Hữu Sinh. Nguyên nhân của thái độ này không chỉ từ phía Phạm Văn Đạo, mà còn có lý do khách quan: Một số người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện vẫn rất dè dặt với các biểu hiện tham nhũng trong lĩnh vực tư, vẫn cho đó là “tranh chấp dân sự” dù lợi ích công bị tổn hại không nhỏ.

Rút tiền tỉ là có thật!

Cụ thể, nương theo lý lẽ của ông Đạo, một số ý kiến can thiệp sâu vào vụ án cho rằng số tiền 6,8 tỉ đồng chi cho ông Hưng không mất, vẫn còn trong quỹ Cty nên cần phải đình chỉ việc khởi tố hình sự. Q xác minh cho thấy, phiếu chi 6,8 tỉ đồng dù được lập khống, ông Hưng không được nhận nhưng tiền lại bị rút ra thật. Tài liệu khẳng định có việc mất tiền này là sổ báo cáo quỹ 2007 (trang 35) với tồn quỹ đầu ngày hơn 10 tỉ đồng, cuối ngày còn hơn 3,17 tỉ đồng.

Sau này phía Cty Hữu Sinh có giải trình là số tiền trên vẫn còn và do một số cá nhân sử dụng (như cho bà Hạnh, chủ tịch, vay hơn 4,1 tỉ đồng) nên không thất thoát. Thực sự thì lý lẽ trên không thể chấp nhận vì việc chi hơn 4,1 tỉ đồng cho bà Hạnh vay không hề được phản ảnh trong số sách kế toán Cty, không có chứng từ. Bản thân hai thành viên sáng lập là ông Hưng, ông Nghĩa không biết có việc này, Hội đồng Thành viên Hữu Sinh cũng chưa từng họp về chuyện này.

Đáng lưu ý là trong khi thời hạn điều tra còn dài (đến 6.9.2011), trong khi các dấu hiệu kể trên cần được cơ quan giám định tài chính (do cơ quan tố tụng trưng cầu) kết luận, được Cơ quan CSĐT Bộ Công an xem xét, đánh giá thì căn cứ vào đơn “kêu cứu” của Đạo, một số cá nhân đã liên tục can thiệp đòi đình chỉ vụ án, trái với quy định của BLTTHS.

Tham nhũng tư cũng rất nguy hiểm!


Mới xem xét bề ngoài có thể có người coi đó là tranh chấp trong nội bộ DN tư nhân, nên để toà án dân sự, kinh tế giải quyết. Thế nhưng đi sâu tìm hiểu vụ việc mới thấy không chỉ là những mâu thuẫn nội bộ về quyền điều hành hay phân chia lợi nhuận như một số nơi khác, mà biểu hiện xâm phạm lợi ích công khá rõ ràng.

Theo nhận xét của luật gia Bạch Hùng Dương (Văn phòng Luật sư Kỳ và cộng sự) việc thành viên góp ít vốn nhất (ông Đạo) giành quyền điều hành, cản trở hai cổ đông nắm 55% vốn thực hiện quyền kiểm soát phần vốn của mình đã tạo ra tiền lệ nguy hiểm, xâm phạm những quy định tiến bộ của Luật Doanh nghiệp. Vốn góp của công dân là tài sản được Hiến pháp, BLDS, BLHS bảo vệ, việc cản trở quyền sử dụng, định đoạt và xâm phạm tài sản đó là dấu hiệu tội phạm hình sự. Hơn thế, việc các hợp đồng bán đất dự án được chỉ đạo ghi giá thấp hơn thực tế nhiều lần vừa có biểu hiện trốn thuế, vừa có biểu hiện tham nhũng của tập thể khi một phần doanh số và lợi nhuận khá lớn của Hữu Sinh bỏ ngoài sổ sách.

Theo ông Dương, khái niệm “tham nhũng trong lĩnh vực tư” tuy mới mẻ, song nhiều quốc gia đánh giá sự nguy hiểm không kém tham nhũng trong lĩnh vực công bởi tính xã hội rất cao, nên họ xử lý rất nghiêm. “Các cơ quan tiến hành tố tụng không nên dè dặt trước hành vi này mà phải xử lý nghiêm minh để đem lại sự lành mạnh trong hoạt động ở khối DN tư nhân hiện nay” - ông Dương nói.

Trịnh Xuân

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,867

Bài viết về

Phòng chống tham nhũng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]