Chính sách mới >> Tài chính 29/10/2013 16:42 PM

Đề xuất, chỉ công dân Việt Nam được gửi tiết kiệm ngoại tệ

29/10/2013 16:42 PM

NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Theo Dự thảo Nghị định này, chỉ có người cư trú là công dân Việt Nam mới được gửi tiết kiệm ngoại tệ.

Phát triển lành mạnh thị trường ngoại hối

Dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 160/2006/NĐ-CP sẽ ngắn gọn và có kết cấu khác với Nghị định 160, không chia thành các Chương riêng về từng lĩnh vực hoạt động ngoại hối. Sở dĩ như vậy, theo NHNN Việt Nam, vì nhiều nội dung hiện đang được quy định tại Nghị định 160 sẽ được quy định tại các văn bản pháp luật khác.

Theo đó, Dự thảo Nghị định bao gồm 4 Chương, 25 Điều; trong đó Chương I: Những quy định chung, gồm 3 Điều (Điều 1 - Điều 3), quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và áp dụng pháp luật quốc tế. Các quy định trên về cơ bản được kế thừa từ Nghị định 160.

Chương II: Những quy định cụ thể, gồm 18 Điều (Điều 4 - Điều 21), quy định cụ thể về các lĩnh vực hoạt động ngoại hối như: Giao dịch vãng lai; Giao dịch vốn; Sử dụng ngoại tệ; Thị trường ngoại tệ và cơ chế tỷ giá hối đoái; Các quy định về tuân thủ pháp luật quản lý ngoại hối; kiểm tra chứng từ; đáp ứng nhu cầu ngoại tệ để thanh toán; thanh tra, kiểm soát và báo cáo.

Theo NHNN Việt Nam, Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm đảm bảo phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm cho thị trường ngoại hối phát triển lành mạnh.

Đồng thời xử lý các vướng mắc, bất cập tại Nghị định 160 nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về ngoại hối để tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia...


Dự thảo Nghị định được xây dựng với mục tiêu đảm bảo thị trường ngoại hối phát triển lành mạnh

Bỏ cho, tặng ngoại tệ

Một trong những nội dung được nhiều người dân quan tâm đó là quy định về sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân. Theo đó, Khoản 1, Điều 14, Dự thảo Nghị định quy định: Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài phục vụ cho các mục đích hợp pháp, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

Như vậy, so với quy định hiện hành, Dự thảo Nghị định đã bỏ “cho, tặng” trong quyền sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân. Theo NHNN Việt Nam, việc làm này nhằm đảm bảo mục tiêu chống tình trạng đô la hóa, thống nhất với các quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung “tiền mặt” khi thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ. Sở dĩ như vậy, theo NHNN, vì chỉ các đối tượng này được nhận ngoại tệ tiền mặt của cá nhân (như tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, cung ứng dịch vụ ở khu cách ly, cơ quan thu phí ở cửa khẩu quốc tế, tổ chức ngoại giao thu phí visa).

Đặc biệt, nếu như theo quy định hiện hành, người cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt đều được gửi tiết kiệm ngoại tệ tại TCTD được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng ngoại tệ tiền mặt... Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 14, Dự thảo Nghị định đã quy định rõ: Người cư trú là công dân Việt Nam có ngoại tệ tiền mặt được gửi tiết kiệm ngoại tệ tại TCTD được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi. Theo đó, chỉ người cư trú phải là “công dân Việt Nam” mới được gửi tiết kiệm ngoại tệ.

Minh Trí

Theo Thời báo Ngân hàng

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,457

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]