Chính sách mới >> Tài chính 11/06/2012 08:14 AM

11/06/2012 08:14 AM

Thực tiễn ở nhiều nước cho thấy, việc mua bán xử lý nợ xấu luôn gắn với quá trình in tiền.

Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất thành lập công ty mua bán nợ đang khiến dư luận lo ngại và đặt câu hỏi, ai sẽ kiểm soát dòng tiền "đi" qua "cửa" mua nợ xấu.

Lỗ, lãi ai chịu?

Việc mở một công ty mua bán nợ để mua nợ xấu NH, đặc biệt là do NHNN đứng ra thành lập và quản lý đối mặt với nhiều rủi ro. Mà tình hình hiện tại cho thấy, khả năng này khá rõ ràng. Bởi trên thực tế, công ty mua bán nợ của nhà nước đã có cả gần chục năm nay, đó là Công ty Mua bán nợ và xử lý tài sản tồn đọng (DATC) thuộc Bộ Tài chính ra đời từ 2003 với vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng. DATC có vai trò đứng ra mua lại nợ, tiếp nhận và xử lý tại các DN nhà nước, thậm chí kể cả tư nhân. Nhưng hoạt động của DATC như thế nào trong suốt thời gian qua, không ai biết. Chỉ đến khi công ty này đứng ra mua nợ của Công ty CP thủy sản Bình An, nhiều người mới biết sự tồn tại của nó. Nhưng DATC đã thực hiện bao nhiêu vụ mua bán nợ, các thương vụ mua nợ trước đó được thực hiện thế nào, cơ chế bán nợ ra sao? Không có nhiều thông tin.

Với hiệu quả như phân tích trên, khả năng giao cho Bộ Tài chính quản lý công ty mua bán nợ (để giám sát chéo) là rất khó. Và khi không sử dụng công ty mua bán nợ sẵn có của Bộ Tài chính, thì công ty mua bán nợ chỉ "chuyên" về mua nợ xấu NH gần như chắc chắn sẽ do NHNN thành lập và quản lý. Một số ý kiến cho rằng, đây là lựa chọn phù hợp hơn nếu nhìn ở góc độ cân đối nguồn tài chính. Bởi NHNN có nhiều nguồn vốn như từ tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền vượt dự trữ bắt buộc của các NHTM; tiền phát hành tín phiếu, thậm chí là một phần nhỏ từ… in thêm tiền nếu thấy cần thiết.

Nhưng đây chỉ là bề nổi mà ẩn sâu sau đó là rất nhiều rủi ro và hệ lụy. Vì dù sử dụng hay thực hiện kỹ thuật nào để mua nợ, công ty mua bán nợ cũng phải phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh của NHNN để cấn trừ nợ. Trong trường hợp có tiền mặt từ ngân sách nhà nước để bỏ ra thành lập công ty, thì phần tiền còn lại để mua nợ phải được lấy từ hoán đổi trái phiếu. Câu hỏi đặt ra là, tiền lãi phát sinh mỗi năm sẽ lấy ở đâu ra để trả. Giả sử 90%/tổng giá trị mua nợ là trái phiếu phát hành với lãi suất 10% thì tiền lãi mỗi năm cũng lên tới 9.000 tỉ đồng (90.000 tỉ đồng x 10%= 9.000 tỉ đồng). Còn nếu 100% là trái phiếu thì số lãi mỗi năm lên tới 10.000 tỉ đồng. Số tiền này lấy từ nguồn nào? Như đã phân tích ở các bài trước, nợ xấu của các NH chủ yếu là bất động sản và chứng khoán.

Với bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới như hiện nay, chắc chắn trong vài năm tới, tài sản mua nợ không dễ bán đi. Nghĩa là thời gian trả lãi sẽ kéo dài, số tiền trả lãi nhiều hơn. Đó là chưa tính đến trường hợp công ty này thua lỗ (nguy cơ rất lớn), NHNN sẽ phải in tiền để tài trợ. Cũng có nghĩa là một lượng tiền sẽ được đẩy vào nền kinh tế, có thể gây lạm phát, gây méo mó chính sách tiền tệ. Gánh chịu hậu quả nhiều nhất trong việc này chính là người dân và DN. Như vậy, đối tượng là mục tiêu để "cứu" của đề xuất này hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân. Quan trọng hơn, cơ quan in tiền lại trực tiếp quản lý, điều hành công ty mua bán nợ và mua lại nợ xấu của chính các NH do mình quản lý, vậy ai sẽ kiểm soát được dòng tiền đi qua cửa này?

Khó "thông" vốn cho DN

Nợ xấu "ngáng chân", nợ xấu như "cục máu đông"... làm nghẽn tín dụng chảy vào sản xuất. Mọi thông tin đều khiến cho người ta có cảm giác, việc thành lập công ty mua bán nợ với mục tiêu mua lại nợ xấu NH là giải pháp duy nhất để "thông" vốn cho nền kinh tế. Nhưng không có gì đảm bảo rằng sau khi mua nợ xấu, các NH sẽ bơm vốn vào nền kinh tế. Trong khi có nhiều yếu tố cho thấy, ngay cả khi được "làm sạch" bảng tín dụng, các DN cũng khó tiếp cận được tín dụng của hệ thống NH với lãi suất rẻ. Bởi rõ ràng, một DN bị "án treo" nợ xấu, sau khi mua nợ rồi, NH nào dám cho DN đó vay nữa? Việc chắc chắn nhất trong chuyện này là các NH được lợi bởi rủi ro đã được nhà nước gánh thay. Đó là chưa kể, về nguyên tắc, khi NH cho DN vay, vẫn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay. Mà ở thời điểm hiện tại, không phải là NH vẫn khẳng định, họ sẵn sàng cho vay với các hồ sơ đạt chuẩn? Điều đó một lần nữa khẳng định, việc thành lập công ty nợ xấu thực chất không giải quyết được vấn đề thông vốn từ NH tới DN mà chỉ làm lợi cho các NH mà thôi.

Các NH vẫn đang lãi lớn, tại sao không để họ lấy lợi nhuận ra để cân đối lại nợ xấu? Tại sao nhà nước lại phải đứng ra gánh phần rủi ro, phần yếu kém cho các NH? Tất cả các hệ lụy, các rủi ro và những câu hỏi phải được trả lời rõ ràng trước khi tiến hành thành lập công ty mua bán nợ xấu NH.

Để xử lý nợ xấu, Trung Quốc đã lập ra các công ty mua bán nợ là công ty quản lý tài sản (AMC) chỉ mua nợ của DN nhà nước. Vì hằng năm các ACM phải trả lãi cho các trái phiếu mà họ phát hành nên là trong 2-3 năm đầu hoạt động, các ACM không còn tiền mặt để chi trả. Nhiều chuyên gia phân tích NH tại Trung Quốc cho rằng, NH Trung ương Trung Quốc (PBOC) sau đó đã tăng các khoản cho vay cho các ACM để họ có tiền trả lãi. Như vậy, ngoài số tiền được chuyển giao lúc đầu thì hằng năm còn phát sinh thêm dòng tiền trả lãi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lạm phát nếu như PBOC không cân đối được dòng tiền hút vào thông qua tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Vì thông tin về các ACM là không minh bạch nên không ai biết được PBOC bơm ra bao nhiêu tiền cho họ.


Theo Nguyên Hằng
Thanh niên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,412

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn