Chính sách mới >> Tài chính 15/05/2012 08:05 AM

15/05/2012 08:05 AM

Hiện nay, câu hỏi được nhiều người quan tâm là, với đà giảm của lạm phát, NHNN có nên tiếp tục cắt giảm lãi suất nhanh hơn để hỗ trợ DN, thúc đẩy tiêu dùng?

Báo cáo về kinh tế vĩ mô - triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 5/2012 của Khối Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc kiềm chế lạm phát từ cuối năm ngoái.

Các lãi suất chính sách tăng từ 9%/năm lên 15%/năm giữa quý I và quý II/2011. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng bị giới hạn ở mức 20%, nhưng thực tế năm qua chỉ đạt 10,9%. Các công cụ này đã phát huy tác dụng, làm giảm tổng cầu và áp lực lạm phát, bất chấp tình trạng giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, lạm phát tính theo năm đã giảm từ 14,1% trong tháng 3/2012 xuống còn 10,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ tháng 8/2011, lạm phát hiện đã giảm từ mức đỉnh điểm 23% xuống gần sát mức một con số. HSBC nhận định, chỉ số lạm phát toàn phần theo tháng đã liên tiếp tăng ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, với chỉ số giá trong tháng 4 chỉ tăng 0,05% (số liệu so sánh theo tháng và có điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ) so với mức tăng 0,2% trong tháng 3. Khi tổng cầu suy giảm nhiều hơn mức trông đợi, áp lực lạm phát cũng sẽ giảm mạnh và mức lạm phát ước đoán cho năm 2012 sẽ vào khoảng 9,8%, thay vì 11% như trước đây.

Có thể thấy, lạm phát tăng chậm lại tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất trong quý I/2012 và các lãi suất chính sách chủ đạo đã được cắt giảm 2% trong vòng một tháng (lần giảm đầu tiên vào tháng 3 và lần thứ 2 vào tháng 4) để thúc đẩy tiêu dùng?

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho rằng: “Từ đầu năm đến nay, sức ép tăng lãi suất đã giảm trước điều kiện kinh tế vĩ mô dần ổn định, tốc độ tăng của lạm phát chậm lại và thanh khoản của các tổ chức tín dụng cải thiện. Đồng thời, NHNN đưa ra các giải pháp quyết liệt chấn chỉnh tình trạng vượt rào lãi suất”.

Hiện nay, câu hỏi được nhiều người quan tâm là, với đà giảm của lạm phát, NHNN có nên tiếp tục cắt giảm lãi suất nhanh hơn để hỗ trợ DN, thúc đẩy tiêu dùng ?

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nhiều DN trong lĩnh vực bất động sản đang phải đối mặt với các thách thức như nợ nần lớn, hàng tồn kho nhiều, không còn nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện dự án… Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2012, có 2.400 DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải làm thủ tục giải thể.

Trong báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về các thị trường nơi Ngân hàng Standard Chartered hoạt động vừa được công bố, ông Tai Hui, Trưởng bộ phận Nghiên cứu khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered nêu quan điểm: “Lạm phát tháng 3/2012 giảm mạnh còn 14,1% từ mức đỉnh 23% của 7 tháng trước và sự ổn định của tiền đồng, bên cạnh cán cân thương mại và lượng dự trữ ngoại tệ tốt, đã tạo điều kiện cho NHNN chuyển hướng sang chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các động thái này nằm trong dự đoán cuối tháng 2 của Standard Chartered về một chu kỳ cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu khi lạm phát giảm nhiệt. Do vậy, Standard Chartered giữ nguyên nhận định lãi suất tái cấp vốn sẽ được giảm xuống 12%/năm vào cuối quý II và 11%/năm vào cuối năm nay”.

Cũng tương tự quan điểm trên, HSBC nhận định: “Vì tăng trưởng GDP quý I thấp hơn mong đợi và diễn biến lạm phát liên tục dịu xuống, chúng tôi tin rằng, NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tiếp theo. Vừa qua, lãi suất huy động đã giảm 2% trong vòng một tháng để kích thích tiêu dùng và đợt giảm lãi suất tiếp theo có lẽ sẽ vào đầu quý III/2012”.

Trong một tương quan khác, một chuyên gia kinh tế thuộc Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, nếu đặt câu chuyện lãi suất liên quan đến vấn đề lạm phát thì với tình hình hiện nay, NHNN nên bỏ hẳn trần lãi suất huy động. Bởi trên thực tế, mức trần này không còn nhiều ý nghĩa trong xu hướng lạm phát giảm dần.

Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất phải phản ánh đúng xu hướng của thị trường. Trong khi đó, thị trường hiện đang trong giai đoạn khó khăn nên về cơ bản, mức lãi suất hiện nay không còn phù hợp nên phải giảm dần. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh: “Không cần có khái niệm hạ lãi suất, mà nên điều hành nền kinh tế theo tín hiệu thị trường”.

Đồng quan điểm này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính phân tích, việc đặt ra trần lãi suất để tránh việc chạy đua tăng lãi suất xuất phát từ câu chuyện thanh khoản và nợ xấu của ngân hàng do mở rộng tín dụng trước đây. Nhưng hiện nay, lãi suất liên ngân hàng đang xuống thấp kỷ lục. Lãi suất qua đêm hiện nay là 3%, 1 tháng là 6%, 3 tháng là 9%, 6 tháng là 10%/năm. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, còn lãi suất liên ngân hàng 3 tháng thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay.

Theo ông Ánh, điều này chứng tỏ, nhu cầu vốn của các ngân hàng đã được giải tỏa và ngân hàng không biết cho ai vay nên không có nhu cầu về vốn. Bên cạnh đó, theo báo cáo “Diễn biến và nhận định xu hướng thị trường tiền tệ tháng 4/2012” vừa được Phòng Kinh doanh ngoại tệ của VietinBank công bố, trong tháng 4, NHNN phát hành tín phiếu hút về 51.431 tỷ đồng (kỳ hạn 28 ngày, 91 ngày, 182 ngày với lãi suất từ 6,2% - 12,5%/năm). Đặc biệt, trong thời gian cuối tháng 4, lãi suất tín phiếu liên tục giảm theo ngày. Đồng thời, lãi suất đấu thầu thành công trái phiếu chính phủ cũng rất thấp, chỉ còn khoảng 11%/năm.

“Khả năng lãi suất hạ xuống là rõ ràng do yếu tố lạm phát giảm, nhưng quan trọng hơn cả là điều kiện thị trường cho thấy, đã đến lúc rút bỏ các biện pháp hành chính, để ngân hàng tự điều chỉnh. NHNN nên quản lý theo chất lượng tài sản có và tài sản nợ của ngân hàng, thay vì quản lý xem các ngân hàng có tuân thủ các quy định hành chính không?”, TS. Ánh nói.

Trong khi đó, bà Hồng nhấn mạnh: “Trong điều kiện thuận lợi, lạm phát có xu hướng giảm và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực, thị trường tiền tệ ổn định, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm 1%/năm lãi suất mỗi quý và đến cuối năm 2012 đưa lãi suất huy động quanh mức 10 - 11%/năm, hoặc xem xét bỏ quy định trần lãi suất huy động”.

Theo Hồng Dung
ĐTCK

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,529

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]