Chính sách mới >> Tài chính 27/03/2012 22:36 PM

27/03/2012 22:36 PM

Bỏ trần lãi suất các ngân hàng lớn sẽ dẫn dắt thị trường vì nguồn vốn huy động dồi dào và tạo sự ổn định thị trường vốn huy động thay cho các ngân hàng nhỏ với cuộc đua lãi suất huy động hiện nay.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù lãi suất huy động đã giảm xuống còn 13% nhưng một số ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn vẫn tìm cách lách huy động với lãi suất vượt trần. NHNN cho biết không có quốc gia nào có tỷ lệ dư nợ trên tổng huy động cao như VN đến gần 100%. Điều đó cho thấy các NHTM đang có vấn đề về thanh khoản.

Do đó, ông Hiếu đề xuất, NHNN hãy để cho lãi suất thả nổi và đi kèm với một nguyên tắc khác của quy luật kinh tế thị trường là để cho các ngân hàng yếu kém phá sản. Có như thế thì lãi suất mới có thể hạ, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được với nguồn vốn lãi suất thấp. 

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc NHNN cần bỏ trần lãi suất, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Phiên họp giữa Thủ tường và hơn 30 chuyên gia tài chính ngân hàng ngày 25/03/2012 vừa qua cũng ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều quanh việc có nên để lãi suât huy động thả nổi.

Nhiều chuyên gia ủng hộ việc NHNN giảm lãi suất huy động xuống 13% và kỳ vọng NHNN tiếp tục lộ trình giảm lãi suất từ đây đến cuối năm. 

Cũng có chuyên gia đề nghị áp trần lãi suất cho cả hai tiền gửi và cho vay, và một chuyên gia đề nghị áp đặt một biên độ lợi nhuận nhất định chẳng hạn 3% giữa lãi suất đầu vào và đầu ra.

Riêng tôi, tôi nêu ý kiến là lãi suất nên để thả nổi, vì chính NHNN cũng cùng quan điểm này.  
Tuy nhiên theo NHNN đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bỏ trần lãi suất huy động.  

Theo tôi trần lãi suất nên dỡ bỏ càng sớm càng tốt để lãi suất trở thành giá vốn vận hành theo luật cung cầu. Có khả năng lãi suất sẽ vọt lên thật cao khi được thả nổi nhưng sẽ nhanh chóng trở về điểm quân bình. 

Những biện pháp hành chính quy định lãi suất tạo ra sự méo mó thị trường, và bắt buộc ngân hàng Trung ương phải luôn can thiệp vào thị trường. 

Đây là tình trạng hiện nay tại nước ta, góp phần vào việc mất cân bằng về thanh khoản tại nhiều ngân hàng và tạo ra một đường cong lãi suất không phù hợp với quy luật rủi ro và thị trường.

Nhưng nếu gỡ bỏ trần lãi suất lại có lo lắng về cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng và khiến các ngân hàng nhỏ "thụt hơi"?

Trong thời gian gần đây, chính các ngân hàng nhỏ chủ động và dẫn đầu trong cuộc đua lãi suất, chứ không phải các “đại gia” – ngân hàng lớn. 

Các ngân hàng nhỏ vì thiếu thanh khoản đã dẫn đầu thị trường vơi những loại lãi suất “khủng” và vuợt xa trần quy định. Chính các “đại gia” đã phải “hụt hơi” để theo kịp các “đàn em” hầu giữ chân khách hàng của mình. 

Trong truờng hợp bỏ trần lãi suất, có khả năng các ngân hàng lớn sẽ dẫn dắt thị trường vì nguồn vốn huy động dồi dào của họ và tạo sự ổn định trong thị trường vốn huy động.

Có thể thấy rằng, bỏ trần lãi suất vào thời điểm này dường như mới là điều kiện cần còn điều kiện đủ theo ông sẽ là gì?

Đúng thế. Việc gỡ bỏ những qui định trần lãi suất cần phải được đi kèm với một nguyên tắc khác của quy luật kinh tế thị trường là để cho các ngân hàng yếu kém phá sản, nếu không còn cách nào khác.
“Thông điệp mà các cơ quan chức năng phát đi sẽ không phải là không để bất cứ một TCTD nào phá sản mà phải là sự cam kết không để cho ngụời gửi tiền phải chịu thiệt hại trong trường hợp một ngân hàng phá sản”. - 
Ông Hiếu nói.

 
Nếu cả hai biện pháp này (thả nổi lãi suất và cho phép TCTD phá sản) được thực hiện đồng bộ thì lãi suất cao tại một ngân hàng không những không hấp dẫn người gửi tiền, mà ngược lại sẽ trở nên một dấu hiệu cảnh báo người gửi tiền về sự yếu kém hay mất thanh khoản của ngân hàng đó, và buộc các ngân hàng này phải trở về với mặt bằng lãi suất dựa trên cung cầu của thị trường.  
 
Ngược lại, nếu việc tháo bỏ trần lãi suất không đi kèm với việc cho phép TCTD phá sản sẽ có thể dẫn đến tình trạng người gửi tiền chỉ nhắm vào các TCTD mời chào lãi suất cao vì gửi tiền vào bất cứ ngân hàng nào cũng an toàn như nhau.  
 
Ông nói rằng, Chính phủ cần xem ngân hàng phá sản là chuyện bình thường. Nhưng nhiều người lại nghĩ hậu quả mà nó để lại không đơn giản nhưng những doanh nghiệp khác, vậy ông nói sao?
 
Tôi đồng ý là việc phá sản của một ngân hàng sẽ đem lại những hậu quả tai hại cho cổ đông, dân chúng và doanh nghiệp tại những địa phương ngân hàng đó đã hoạt động. 
 
Nhưng những hậu quả này cũng không khác gì những hậu quả gây ra bởi sự phá sản của một doanh nghiệp ngoài ngân hàng. Đó là cái giá phải trả trong một nền kinh tế thị trường: “lời chia lỗ chịu”. 
Kịch bản mà một hay vài ngân hàng tại Việt Nam phá sản có tác dụng “domino” để dẫn đến sụp đổ toàn hệ thống, có lẽ không xảy ra.
 
Hiện tượng này đã không xảy ra tại Mỹ vào những năm truớc trong giai đoạn khủng hoảng, khi mà nhiều định chế tài chính của Mỹ đã phá sản. 
 
Ngược lại, sau thời kỳ đại khủng hoảng của những năm 2008 và 2009 thì nay hệ thống ngân hàng của Mỹ đã trở nên lành mạnh hơn. 
 
Đặc biệt tại Việt Nam ngân hàng Trung uơng có nhiêu quyền năng để can thiệp vào thị trường một cách ổn định và mau chóng.  

Theo ông nếu giải quyết được vấn đề trần lãi suất thì doanh nghiệp có thật sự tiếp cận được vốn  với lãi suất thấp hay không? 
 
Tôi tin là như vậy.  Một cơ chế lãi suất huy động được điều chỉnh theo luật cung cầu và loại bỏ những yếu tố cạnh tranh không lành mạnh sẽ dẫn đến một cơ chế lãi suất cho vay hợp lý cho doanh nghiệp.  
 
Tuy nhiên, lãi suất có thấp hay không cũng còn tùy thuộc vào sử ổn định của đồng tiền.  
 
Nếu lạm phát có thể kiểm soát ở mức thấp và lãi suất tiền gửi là lãi suất thực dương, thì chúng ta có khả năng tạo một mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đi vay và trả nợ. 
 
Mức lãi suất cho vay hợp lý cho các doanh nghiệp phải ở mức duới 10%, và do đó phải đẩy tỷ lệ lạm phát xuống khoảng 5% và lãi suất tiền gửi ở mức 7%.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Khánh Linh  

Theo TTVN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,261

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]