Hai lý do để có thể thực hiện việc bỏ trần lãi suất đã xuất hiện đó là: Thứ nhất là tăng trưởng tín dụng đang rất thấp; thứ hai NHNN đã công bố danh sách tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm ngân hàng, những ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, sẵn sàng chạy đua về lãi suất đã được khống chế, chỉ cần 1 vài tháng nữa những ngân hàng này sẽ không còn đủ sức để chạy nữa.
Hay nói một cách khác, thanh khoản là vấn đề của thị trường do đó hãy để thị trường tự quyết định, phần còn lại mà thị trường không thể xử lý thì NHNN mới tiến hành xử lý. Điều đó có nghĩa là khi bỏ trần lãi suất một số ngân hàng thanh khoản kém chạy đua lãi suất, thị trường sẽ chạy theo và đáp ứng nhu cầu này khi nhu cầu này được thỏa mãn thì cuộc đua sẽ dừng lại. Nhưng quan trọng là các ngân hàng này không được phép tăng trưởng tín dụng thì việc huy động cũng sẽ được giám sát.
“Tôi cho rằng bây giờ đã là thời điểm thích hợp cùng lắm sẽ là một tháng nữa sẽ là thời điểm chín muồi để bỏ trần lãi suất” – ông Nghĩa kết luận.
Một khi trần lãi suất được bỏ thì mọi thứ sẽ được bộc lộ một cách công khai và minh bạch. Nhu cầu của thị trường đến đâu? Lòng tin của người dân thế nào? Và giám sát quản lý của NHNN ra sao?... Và khi đó cả lãi suất huy động và cho vay sẽ còn thấp hơn mức được NHNN công bố.
Giả sử trường hợp áp dụng trần lãi suất huy động thì lãi suất cho vay chỉ 16 – 17% và nếu bỏ trần lãi suất huy động thì sẽ xảy ra tình trạng nền kinh tế sẽ phải gánh mức lãi suất lên đến trên 20%. Nhưng tôi tin rằng nó sẽ chỉ mất một thời gian ngắn để ổn định trở lại – Ông Nghĩa nói.
Năm 2011, NHNN quy định về trần lãi suất huy động là 14% nhưng hầu như không có NHTM nào chấp hành chủ trương này. Sau một vài “án phạt” đối với một số ngân hàng thì mọi chuyện lại đâu vào đấy. Lãi suất huy động thực tế của các ngân hàng thường dao động quanh mức 17 – 19%, thậm chí có cả lãi suất 21%.
Do đó, trong năm 2012 khi mà trần lãi suất huy động được NHNN quy định là 13% thì câu hỏi đặt ra là: Liệu các NHTM có tuân thủ đúng quy định này không?
Theo ông Nghĩa, Việt Nam đã bỏ trần lãi suất tiền gửi thì từ năm 1999 và 2002 bỏ trần lãi suất cho vay, nhưng đến năm 2009 lại áp dụng trần lãi suất huy động – đó là điều đáng tiếc.
Trả lời câu hỏi, liệu còn công cụ nào khác thay thế cho biện pháp hành chính (trần lãi suất) này không? Ông Nghĩa cho rằng, NHNN có trong tay hàng loạt các công cụ để thực hiện, chẳng hạn như nghiệp vụ thị trưởng mở (OMO), công cụ tái triết khấu, tái cấp vốn...
Ngoài ra dự trữ bắt buộc được xem là công cụ “bom tấn” của NHNN, trong trường hợp cần thiết NHNN có thể xem xét và sử dụng đến biện pháp này. Một số nước trên thế giới đang áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc khá cao như Trung Quốc 20%, Mỹ 10%, trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam đang là 1 -3% đối với đồng Việt Nam.
Ông Nghĩa cho rằng, NHNN đang lo lắng nếu tăng dự trữ bắt buộc thì những ngân hàng nhỏ sẽ bị khó khăn về thanh khoản nên NHNN tạm thời không sử dụng công cụ này. Thay vào đó cơ quan quản lý sử dụng những biện pháp ít ảnh hưởng hơn cho những “cơ thể ốm yếu” đang cần tái cấu trúc.
Tại buổi họp báo công bố Quyết định hạ lãi suất của NHNN chiều 12/3/2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, Chính phủ đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó có điều kiện để lãi suất có thể giảm trung bình 1%/năm sau mỗi quý. Khi hoạt động của nền kinh tế đi vào quỹ đạo lành mạnh hơn, việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ được tính tới.
Khánh Linh
Theo TTVN