Chính sách mới >> Tài chính 07/02/2012 08:25 AM

07/02/2012 08:25 AM

Trong một lần trả lời báo giới, Thống đốc NHNN thừa nhận, thanh khoản đang là điểm nóng nhất hiện nay trong hoạt động ngân hàng và là một trong những trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ năm 2012.

Thực trạng

Câu chuyện thanh khoản của các ngân hàng không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã âm ỉ từ lâu. Có chăng, những năm trước đây, khi chính sách tiền tệ “khá dễ dãi”, nền kinh tế tăng trưởng khá tốt nên “căn bệnh” này chưa có cơ hội bùng phát. Nó chỉ tạo nên những “cơn sốt” nhẹ vào giai đoạn sát Tết Nguyên đán khi nhu cầu rút tiền mặt của doanh nghiệp để chi trả lương thưởng và người dân rút tiền để chi tiêu tăng mạnh. Để “cắt cơn”, NHNN thường dùng “toa thuốc” bơm mạnh tiền qua thị trường mở (OMO). Sau Tết, dòng tiền lại chảy về ngân hàng nên “căn bệnh” tự thuyên giảm.

Năm 2011, chính sách tiền tệ chặt chẽ để kiềm chế lạm phát của NHNN đã khiến cho vấn đề thanh khoản của các ngân hàng “nóng” hầu hết năm và trở nên khá căng thẳng vào giai đoạn cận Tết Nhâm Thìn. Và để giải “cơn khát” cho các NHTM, NHNN đã phải bơm ra một lượng tiền không nhỏ qua OMO. Ngay trong phiên giao dịch sáng ngày 9/1/2012, NHNN đã bơm ra thị trường 15.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày 1/6/2011, đồng thời, tăng thời gian cho vay trên thị trường mở (OMO) từ 14 ngày lên 21 ngày.

Chia sẻ với ĐTCK, Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một NHTM cho biết, tính chung trong gần 10 ngày đầu tháng 1/2012, NHNN đã bơm ròng khoảng 26.000 tỷ đồng qua OMO và xấp xỉ 60.000 tỷ đồng trong cả tháng 1/2012. Chưa hết, một số NHTMCP nhỏ đã phải “cầu viện” sự trợ giúp của NHNN qua vay tái cấp vốn. Mặc dù vậy, căng thẳng thanh khoản vẫn chưa hết mà vẫn tiếp tục kéo dài sang những ngày sau Tết.

Sở dĩ như vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, là do việc bơm vốn qua OMO mới chỉ giải được cơn khát thanh khoản tức thời của các NHTM, chứ chưa trị được tận gốc căn bệnh này. Và giai đoạn sau Tết cũng chính là thời điểm đến hạn phải hoàn trả các khoản vay trên OMO, trong khi đó, nguồn tiền từ dân cư và doanh nghiệp vẫn chưa chảy lại vào ngân hàng, nên xem ra, vấn đề thanh khoản lại càng nóng hơn.

Bằng chứng là ngay từ những ngày đầu năm mới Nhâm Thìn, thị trường đã chứng kiến sự cạnh tranh khá gay gắt của các NHTM trong việc huy động vốn. Thậm chí đã có nghi vấn về việc  tái xuất hiện hiện tượng lách trần lãi suất huy động 14%/năm. Hiện một số ngân hàng đang nắm giữ một lượng vàng lớn đã kiến nghị cho phép họ được xuất khẩu vàng tài khoản để tăng thanh khoản. Như thế, chỉ cần bán 1% trong số đó qua tài khoản là thu được khoảng 5 - 7 tỷ USD, giải quyết tương đối nhu cầu thanh khoản cho họ một cách cấp bách.

Nếu tình hình này kéo dài sẽ là trở ngại không nhỏ cho lộ trình hạ lãi suất của NHNN theo chỉ đạo của Chính phủ. Chẳng thế mà, mặc dù những tháng gần đây, tốc độ tăng CPI ở mức khá thấp, ngay cả tháng Tết, CPI cũng chỉ tăng xấp xỉ 1%. Thế nhưng, đến nay, vẫn chưa thấy tín hiệu gì của việc hạ lãi suất. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng nhìn nhận, mặc dù lạm phát đã giảm tốc khá mạnh, song muốn giảm lãi suất, cần phải giải quyết được vấn đề thanh khoản của các NHTM.

Căn nguyên và giải pháp

Tuy nhiên, để trị căn bệnh thanh khoản, cần hiểu rõ căn nguyên. Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban vốn và kinh doanh vốn của BIDV, vấn đề thanh khoản chủ yếu do chênh lệch về thời hạn giữa một bên là khoản nợ phải trả sớm trong khi khoản cho vay lại chưa đến hạn. Điều này xuất phát từ cơ cấu hoạt động của các NHTM. Do sức ép tăng trưởng và lợi nhuận khi hoạt động của các NHTM dựa chủ yếu vào tín dụng, các NHTM chủ yếu “bóc ngắn cắn dài”: huy động ít, cho vay nhiều, sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.

Mặc dù NHNN quy định, chỉ được sử dụng tối đa 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, nhưng theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, ở nhiều TCTD, tỷ lệ này lên đến 60 - 70%, cá biệt lên tới 100%. Nguy hiểm hơn, vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, nhiều NHTM đẩy mạnh cho vay bất động sản, chứng khoán. Và khi hai thị trường này bị đóng băng, đã khiến một lượng vốn không nhỏ của các NHTM bị “đóng băng” theo và trở thành nợ xấu.

Trong khi đó, cơ cấu nguồn vốn ngày càng có xu hướng co ngắn. Một phần do lạm phát cao, kéo dài nhiều năm khiến người dân chưa tin tưởng vào việc nắm giữ VND. Mặt khác, xuất phát từ chính những yếu kém của hệ thống ngân hàng. Để cạnh tranh huy động vốn trong khi lãi suất đã bị đặt trần, các ngân hàng đã không ngần ngại “nắn thẳng” đường cong lãi suất. Và khi lãi suất kỳ hạn ngắn cũng ngang với kỳ hạn dài thì lẽ đương nhiên, người gửi tiền sẽ không dại gì lại chọn kỳ hạn dài. Bởi gửi ngắn vừa được lợi do lãi suất tính về tổng thể sẽ cao hơn, trong khi lại chủ động trong việc sử dụng vốn.

Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để xử lý bài toán thanh khoản, cần phải xử lý triệt để vấn đề cơ cấu hoạt động của các NHTM. Rõ ràng, việc phát triển quá nóng của hệ thống ngân hàng đã biến hệ thống này trở thành một kênh đầu tư trong khi ngân hàng chỉ là kênh trung gian huy động vốn ngắn hạn, mà ngay chính bản thân hệ thống này cũng rất đói vốn.

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc NHNN sẽ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 theo 4 nhóm, gồm nhóm hoạt động lành mạnh (loại A), nhóm hoạt động trung bình (loại B), nhóm hoạt động dưới trung bình (loại C), và nhóm hoạt động yếu kém là một trong những cách thức giải quyết mạnh mẽ vấn đề thanh khoản. Bên cạnh đó, NHNN cần phân chỉ tiêu rõ ràng và chi tiết hơn, như trong một năm, ngân hàng được phép cho vay tối đa là bao nhiêu.

Còn với kỳ hạn nguồn vốn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Không thể hô hào người dân gửi tiết kiệm dài hạn vào ngân hàng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nền kinh tế còn bất ổn tiềm tàng. Khi người dân thực sự yên tâm vào sự ổn định của nền kinh tế, vào việc giữ tiền Việt Nam, họ sẽ tự động gửi tiền tiết kiệm dài hạn vào ngân hàng. Khi đó, vấn đề thanh khoản sẽ được giải quyết.

Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,373

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn