Chính sách mới >> Tài chính 04/08/2011 08:17 AM

04/08/2011 08:17 AM

(Đất Việt) Sau 3 lần giảm giá (giữa tháng 5, đầu tháng 6 và đầu tháng 7) theo giá gas thế giới, giá gas trong nước đã tăng trở lại, gây bất an cho người tiêu dùng, nhất là khi càng về cuối năm nhu cầu với mặt hàng này càng lớn.

Từ sau Tết đến nay, gas đã 7 lần tăng giá, lần tăng mạnh nhất đến 30.000 đồng/bình 12kg và so với đầu năm, giá gas tăng đến hơn 20%. Dù cũng có 3 lần hạ giá, nhưng mức hạ không đáng kể. Và với kỷ lục 7 tháng 7 lần tăng giá, bà nội trợ hiển nhiên cứ đầu tháng lại trích một phần tiền ít ỏi dành cho giá gas tăng thêm.

Đồng hành… tăng giá

Đầu tháng 8, giá gas các nhãn hiệu đồng loạt công bố tăng giá khoảng 8.000 đồng một bình 12 kg, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng khu vực TP HCM hiện quanh mức 365.000 đồng mỗi bình 12 kg. Tuy phụ thuộc vào giá gas thế giới, nhưng giá gas trong nước lại vận hành theo kiểu… chỉ đồng hành khi tăng giá, còn khi giá thế giới giảm thì lại giảm nhỏ giọt, không tương xứng khi tăng giá. Dễ thấy nhất là đầu tháng 5, giá gas tăng đến 30.000 đồng một bình 12 kg (ở mức 378.000 đồng) với lý do giá gas thế giới tăng 87,5 USD mỗi tấn. Người tiêu dùng chưa kịp định thần thì hơn 10 ngày sau, giá gas lại tăng thêm 4.000 đồng một bình nữa với lý do hỗ trợ đại lý!. Trong khi đó, vào tháng 6, khi giá thế giới giảm tới 80 USD một tấn, giá gas trong nước cũng điều chỉnh giảm 2 lần, nhưng chỉ giảm có 15.000 đồng mỗi bình trong điều kiện tỷ giá tương đương.

Liên tục tăng giá, gas đang giữ kỷ lục là mặt hàng có số lần tăng giá nhiều nhất đến thời điểm này. Ảnh: Nguyễn Hữu.

Đến tháng 7, giá gas thế giới giảm tiếp 55 USD nhưng trong nước chỉ giảm có 9.000 – 10.000 đồng mỗi bình 12 kg, thế  nhưng đầu tháng 8, khi giá giá gas thế giới chỉ tăng có 25 USD (chưa bằng một nửa), thì ngay lập tức các nhãn hiệu gas trong nước đã công bố mức tăng gần tương đương.

Lý giải điều này, các công ty kinh doanh gas đưa ra nhiều lý do, như nhà máy lọc dầu Dung Quất ngưng hoạt động 2 tháng để bảo dưỡng khiến các họ phải mua hàng bổ sung với giá cao hơn giá CP do vượt hợp đồng dài hạn đã ký; các chi phí vận chuyển, nhân công, mặt bằng,… để né việc giảm giá. Thực tế, trong kế hoạch bảo dưỡng nhà máy của Dung Quốc, đơn vị này đã công bố rất sớm và đã có kế hoạch nhập hàng.

Khi nào quá sức chịu đựng mới bình ổn?

Bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12/2010, tháng nào giá gas cũng tăng. Đỉnh điểm là tháng 12/2010, giá gas tăng đến 38.000 đồng một bình 12 kg! Giá gas tăng nóng dẫn đến việc chính phủ phải ra tay bình ổn thị trường gas, bằng giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống còn 2% đến nay. Tiếp đó, đầu mối cung cấp gas là Tổng công ty Khí (PV gas) cũng phải hỗ trợ giá bán sỉ 20 USD một tấn để hạ nhiệt thị trường.

Bước sang năm 2011, từ tháng 2 đến nay, gas trở thành mặt hàng kỷ lục tăng giá nhiều nhất đến thời điểm này, khi đều đặn đầu tháng lại công bố tăng giá. “Giá gas tăng liên tục đến nỗi bà nội trợ thành thói quen, cứ mỗi tháng phải dành 10.000 -12.000 đồng bổ sung thêm cho bình gas”, chị Nguyễn Thị Biển, ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 cho biết. Cũng theo tính toán của chị Biển, giá gas trong tháng 5 đã từng leo lên mức 382.000 đồng bình, có đại lý bán đến 385.000 đồng một bình 12 kg thì mức giá trên 400.000 đồng một bình gas sẽ thành hiện thực trong 1 - 2 tháng tới, khi mức tăng cứ mỗi tháng đều đặn trên dưới 10.000 đồng mỗi bình. ‘Bữa ăn đã khó vì thực phẩm đắt đỏ, mà giá gas liên tục tăng thế này khiến bà nội trợ chật vật tính toán hơn”, chị Minh, nhân viên đại lý nệm Kim Đan -Thủ Đức nói.

Nhận định về thị trường giá gas từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam cho rằng, giá gas sẽ trên đà tăng theo quy luật hàng năm. Khi bước vào tháng 9, mùa đông ở nhiều nước trên thế giới, nhu cầu gas tăng cao để sưởi ấm.Tuy nhiên, theo ông Thắng, giá gas dù đang ở đà tăng nhưng là theo quy luật, chưa có gì bất thường. Hiệp hội gas vẫn đang theo dõi diễn biến giá, khi nào tăng đến mức “quá sức chịu đựng của người tiêu dùng” mới đề xuất giải pháp bình ổn thị trường.

Nhưng, mức nào là quá sức chịu đựng thì không ai đưa ra.

Tràn lan gas giả

Trong lúc giá gas đang ở mức cao ngất ngưởng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM liên tục nhận đơn thư phản ánh, khiếu nại về nạn gas giả, gas lừa. Chiêu thức là phát tờ rơi giới thiệu chương trình khuyến mãi để lừa người dân đổi gas với giá rẻ lại được tặng quà, nhưng bình gas xài vài ngày đã hết. Khi phát hiện thì chả biết người bán ở đâu để “bắt đền”.

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM trong 6 tháng qua cũng  phát hiện 15 vụ vận chuyển, buôn bán 608 bình gas loại 12 kg giả mạo nhãn hiệu và hơn 1.100 bình gas mini tái sử dụng đều chiết nạp trái phép. Theo QLTT, nhiều cửa hàng kinh doanh gas hiện nay bán bình gas thật lẫn bình giả nhãn hiệu. Loại bình giả thường thiếu trọng lượng gas, được chiết nạp lậu tại các trạm ở tỉnh lân cận thành phố, gắn niêm van giả mạo nhãn hiệu, vận chuyển bằng xe tải về thành phố bỏ mối cho các cửa hàng.

Ngọc Ánh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,243

gas, giá,

Chính sách khác

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn