03/10/2011 08:48 AM

“Theo đánh giá của Chính phủ, ở Việt Nam chỉ có khoảng 20% vụ tố tụng hình sự có Luật sư (LS) tham gia, khoảng 20% doanh nghiệp ký hợp đồng thuê dịch vụ pháp lý thường xuyên. So với nhu cầu của xã hội, đất nước thì hoạt động LS hiện chưa đáp ứng được cả về chất và lượng”…– LS Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch LĐLS Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM nêu.

“Theo đánh giá của Chính phủ, ở Việt Nam chỉ có khoảng 20% vụ tố tụng hình sự có Luật sư (LS) tham gia, khoảng 20% doanh nghiệp ký hợp đồng thuê dịch vụ pháp lý thường xuyên. So với nhu cầu của xã hội, đất nước thì hoạt động LS hiện chưa đáp ứng được cả về chất và lượng”…– LS Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch LĐLS Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM nêu.

Luật sư tham gia tố tụng tại phiên tòa. Ảnh minh họa
Luật sư tham gia tố tụng tại phiên tòa. Ảnh minh họa

Bị cáo vừa sợ, vừa không biết tự bào chữa

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của TAND TP.HCM, tỷ lệ LS tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng là hơn 40% tổng số án đã đưa ra xét xử. Tại TP.HCM, Đoàn LS TP.HCM đã phối hợp tốt, đáp ứng được tất cả các yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng về việc cử người bào chữa chỉ định; không có trường hợp nào bị từ chối hoặc gây cản trở cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Với thực trạng, án hình sự tại TP.HCM chiếm tỷ lệ 20% của cả nước thì càng thấy vai trò của Đoàn LS TP.HCM trong việc phối hợp, hỗ trợ tham gia tố tụng nhằm bảo đảm quyền được nhờ người bào chữa của bị can, bị cáo là không nhỏ. Đa số những phiên tòa hình sự có LS tham gia đã góp phần quan trọng làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án.

Liên quan đến quyền được nhờ người bào chữa, TAND TP.HCM cho biết đã đề xuất Liên đoàn LS Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phổ biến sâu rộng quyền này và có cơ chế thích hợp để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo tiếp cận những điều kiện thuận tiện nhất để họ dễ dàng có người báo chữa. Tỷ lệ 80% bị can, bị cáo không có người bào chữa trong các vụ án hình sự là vấn đề đáng quan tâm trong tiến trình cải cách tư pháp với nội dung cốt lõi là nâng cao chất lượng tranh tụng. Các bị cáo không có LS bào chữa tại phiên tòa thường có thái độ sợ sệt, mất bình tĩnh, thậm chí mang nặng tâm lý đối phó với HĐXX, KSV…

Trong quá trình tham gia tranh tụng, nhất là ở phần tranh luận các bị cáo không có LS tỏ ra lúng túng, nhiều trường hợp không có ý kiến bào chữa gì mà chỉ xin nói lời sau cùng. Thậm chí có trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng không dám tự mình nêu ra. Việc không có LS bào chữa tại tòa không chỉ thiệt thòi cho bị cáo mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần tranh tụng công khai, việc xét hỏi và tranh luận chủ yếu thiên về hướng buộc tội; chức năng gỡ tội trong những trường hợp này rất mờ nhạt…

Hiểu đúng về quyền, lợi ích đối lập (!?)

Một số Thẩm phán và LS cho biết, bên cạnh mặt tích cực thông qua hoạt động của LS, vẫn còn đó những vướng mắc các quy định của pháp luật như: Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định người làm chứng không có quyền nhờ LS bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của họ. Trong khi, Luật LS lại quy định LS được cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền lợi của đương sự (được hiểu bao gồm cả người làm chứng) trong vụ án hình sự.

Khoản 3, Điều 56 BLTTHS: Một LS có thể bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong cùng một vụ án nếu quyền lợi của họ không đối lập nhau. Quy định này dễ bị lạm dụng để cản trở hoạt động tố tụng và ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của LS khi tham gia tố tụng. Bởi khái niệm “quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau” là theo suy luận của LS, HĐXX, VKS hay là ý muốn chủ quan của bị can, bị cáo(?).

Đồng thời, cũng cần xem xét: Trong quá trình tiến hành tố tụng từ Cơ quan Điều tra đến VKS đã thể hiện quyền và lợi ích của các bị can không đối lập nhau(?). Nhưng khi ra tại tòa, xuất hiện một số tình tiết hoặc có khi chỉ là lời khai báo chứng minh các bị can đối lập nhau về quyền và lợi ích thì phiên tòa phải hoãn, thậm chí phải điều tra bổ sung. Do từ giai đoạn điều tra, việc một LS đảm nhận bào chữa cho nhiều bị can có đối lập nhau về quyền và lợi ích thì không còn giá trị nữa.

Thực tế này khiến tại TAND TP.HCM có nhiều phiên tòa phải hoãn xử. Một số Thẩm phán cũng kiến nghị các LS khi nhận bào chữa cho nhiều bị can, bị cáo trong một vụ án cần xem xét thấu đáo về quyền và lợi ích của từng bị can, bị cáo mà mình bào chữa để có quyết định thích hợp.

Mới đây nhất, trong phiên tòa xét xử vụ giết hại Phó Bí thư Quận ủy Phú Nhuận, TP.HCM, do bị cáo Nguyễn Trọng Nhân (31 tuổi) và Lương Hoài Sang (21 tuổi, ngụ quận 10) thực hiện. Sau khi thẩm vấn hai bị cáo về việc tổ chức và bàn bạc kế hoạch phạm tội, luật sư H (Đoàn LS TP.HCM, người nhận bào chữa cho hai bị cáo) đã từ chối bào chữa cho một bị cáo (bị cáo Sang). Theo LS H, tại giai đoạn điều tra, truy tố, lời khai của các bị cáo thống nhất, quyền lợi của hai bị cáo không mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Nhân và Sang đã có các lời khai thể hiện quyền lợi của hai bị cáo đối lập nhau. Vì vậy, LS H cho rằng không

thể nhận bào chữa cho cùng lúc hai bị cáo có quyền lợi đối lập nhau, điều đó trái với đạo đức nghề nghiệp và vi phạm tố tụng. Sau khi hội ý và xem xét, HĐXX phải tuyên bố tạm hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo Sang.

Mở rộng đối tượng hành nghề LS

LS Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ quyền lợi LS – LĐLS Việt Nam kiến nghị, từ thực tiễn thi hành, cần sửa Luật LS theo hướng coi LS là chủ thể tư pháp độc lập, vận hành trong mối quan hệ thống nhất và mang tính phản biện với các chủ thể tư pháp khác. Tạo điều kiện cho người tập sự hành nghề LS được tham gia tố tụng cấp huyện; mở rộng đối tượng được hành nghề LS đối với đội ngũ giảng viên ĐH Luật, Khoa luật của các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM…

Phong Trần

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,955

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]