23/07/2012 08:24 AM

Trong các giai đoạn tố tụng, giai đoạn xét xử được các LS đánh giá là “thân thiện” nhất song nghịch lý vẫn tồn tại khi LS mới được coi là nhân vật phụ để hoàn thiện “bức tranh” phiên tòa.

Một trong những quyền quan trọng của LS tại giai đoạn xét xử là gặp bị cáo bởi đây là khoảng thời gian để LS và thân chủ trao đổi, thống nhất cho việc bảo vệ quyền lợi của bị cáo. Nhưng LS.Nguyễn Thị Minh Châu (ĐLS TP.Hà Nội) đã từng bị một TAND ở tỉnh Quảng Ninh “cấm cửa” từ khi Chủ tọa tuyên bố mở phiên tòa đến khi HĐXX hoàn thành thủ tục thẩm tra và hỏi ý kiến bị cáo có đồng ý mời LS mới cho LS vào dự phiên tòa. Qui định “đặc biệt” này không chỉ hạn chế mà còn vi phạm pháp luật về quyền của LS được tham dự phiên tòa và tiếp xúc với bị cáo.

Luật sư hành nghề tại một phiên tòa. Ảnh: M.H
Luật sư hành nghề tại một phiên tòa. Ảnh: M.H

 

Thực hiện quyền bào chữa cho nhiều bị cáo bị xét xử tại Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM, LS.Phan Trung Hoài - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi LS, Liên đoàn LS Việt Nam - đã không ít lần kiến nghị về sự vô lý và “nhiêu khê” của TA khi yêu cầu LS phải có chữ ký của bị cáo vào đơn mới cấp giấy chứng nhận người bào chữa (GCN) để LS tham gia giai đoạn phúc thẩm vụ án. Nhưng trong 15 ngày bị cáo kháng án, LS không được vào gặp thân chủ, chỉ đến khi Tòa lên lịch xét xử, phân công Thẩm phán chủ tọa mới xem xét việc GCN cho LS thì LS “lấy đâu ra chữ ký của bị cáo” mà “trình” cho Tòa?

Không chỉ “đánh đố” như trường hợp của LS.Hoài, liên quan đến qui định cấp GCN còn bộc lộ “mặt trái” là sự lãng phí như phản ánh của LS.Bùi Văn Thống - Trưởng VPLS Đình Nguyên. Để có GCN, mỗi giai đoạn tố tụng, LS phải nộp 1 bộ hồ sơ. Nếu án hủy, xét xử lại thì LS phải lặp lại quá trình đó nên có những vụ án có tới 6-7 bộ hồ sơ của LS. “Đó là sự lãng phí rất lớn và gây khó khăn cho LS” – nhiều LS cũng đã tán thành nhận xét này của LS.Thống.

Không chỉ bị gây khó khăn trong việc tham gia tố tụng, ý kiến và vai trò của luật sư trong vụ án vẫn bị xem nhẹ. Trong nhiều vụ án, phần “thắng” của LS qua phần tranh luận rất rõ ràng nhưng rốt cục, không được “hiện diện” trong bản án. Nếu không nhận định, không đánh giá ý kiến của LS về vụ án thì TA chỉ nêu 1 vài ý hời hợt hoặc thường nhận xét chung chung kiểu “ý kiến của LS không phù hợp với ý kiến của HĐXX nên không được chấp nhận” như nhiều bản án của TAND TP.Hà Nội… Chính Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng đã thừa nhận, “ít thẩm phán thể hiện quan điểm của các bên trong bản án, chủ yếu thể hiện quan điểm của mình là chính. Đây là thiếu sót của đội ngũ thẩm phán”.

Thậm chí, “một số thẩm phán cho rằng LS là để “bức tranh phiên tòa” được hoàn thiện, nên Tòa còn không cho LS phản biện ý kiến của VKS” là sự hẫng hụt mà LS.Nguyễn Cẩm - ĐLS TP.Hải Phòng- cảm nhận được trong quá trình hành nghề. Và đa số các LS chưa bao giờ nhận được trả lời bằng văn bản lý do từ chối những kiến nghị, khiếu nại của LS trong quá trình tố tụng, thông báo về các quyết định của HĐXX…

LS.Hoàng Thúc Tính – Phó Chủ nhiệm ĐLS Hà Tĩnh - cho rằng, tháo gỡ khó khăn của LS cần có sự tham gia của cả cơ quan điều tra và VKSND vì nếu “không tìm được bệnh, không thể chữa khỏi” khi không ít bức xúc của giới LS bắt nguồn từ thái độ của đại diện VKSND tại phiên tòa. Do vậy, quyền bào chữa của LS tại tòa án chỉ được bảo đảm khi “tranh luận phải đi đến tận cùng công lý để “tâm phục khẩu phục”. HĐXX  phải là cơ quan trọng tài, độc lập, chỉ tuân theo PL” như đề nghị của LS.Nguyễn Minh Tâm.

Từ góc độ cơ quan TA, ông Tưởng Duy Lượng nhận định, “vướng mắc của LS trong tham gia tố tụng, trong đó có giai đoạn xét xử, gắn liền với trách nhiệm của cả hai phía TA-LS (và các cơ quan khác), nên cần cả hai bên phối hợp xử lý. Trước khi sửa đổi, bổ sung qui định pháp luật, thì cả hai bên cần tôn trọng, thực hiện đúng pháp luật để không có độ “vênh” giữa TA-LS trong áp dụng pháp luật, dẫn đến quan điểm “TA gây khó cho LS”.

Huy Anh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,424

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]