06/06/2012 17:37 PM

Sửa đổi, hoàn thiện Luật Luật sư không phải chỉ để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển nghề Luật sư, mà còn góp phần hoàn thiện quy trình tố tụng, cũng như để giảm tải oan sai cho nghi phạm. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Pháp luật Việt Nam điện tử đã phỏng vấn đại biểu TrươngTrọng Nghĩa – đoàn đại biểu Tp. Hồ Chí Minh – Phó chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam - xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

- Thưa ông, góp ý cho dự thảo Luật Luật sư sửa đổi, nhiều ý kiến đề nghị việc cấp thẻ hành nghề luật sư nên trả về cho các Đoàn. Ông có ý kiến gì về quan điểm này?

 
- Tôi đã nghe ý kiến này của các đại biểu, nhưng về mặt thực tế, nhiều luật sư lại muốn được liên đoàn cấp thẻ, chứ không đoàn luật sư  cấp tỉnh của mình cấp thẻ. Bản thân tôi cũng thấy việc để liên đoàn cấp thẻ lợi hơn rất nhiều.
 
- Ông có thể phân tích kỹ hơn?
 
- Luật sư hành nghề trong cả nước, do vậy, nếu để liên đoàn cấp thẻ, sẽ thể hiện sự bình đẳng của các luật sư trong cùng một quốc gia, họ sẽ không có cảm giác “lấn sân” nhau khi hành nghề.
 
Việc cấp thẻ bởi liên đoàn còn loại trừ được nạn thẻ lậu, thẻ giả, hay có những luật sư vi phạm bị đoàn này tước thẻ, nhưng lại chạy chọt để có được thẻ ở một đoàn khác.
 
Việc cấp thẻ của Liên đoàn luật sư cũng khiến các luật sư khi tham gia các vụ việc quốc tế cảm thấy vị thế của mình cao hơn khi sử dụng thẻ của một đoàn luật sư.
 
Nên giữ nguyên  quy định như hiện nay, để Liên đoàn cấp thẻ. Nhiều luật sư muốn được liên đoàn cấp thẻ để thể hiện sự bình đẳng giữa các luật sư trong một quốc gia..
 
Về mặt khách hàng, các tổ chức , cá nhân cũng  sẽ yên tâm hơn khi giao dịch với các luật sư. Nếu có vấn đề gì khúc mắc, họ cũng sẽ chỉ cần liên lạc đến một nơi – đó là liên đoàn luật sư để biết các thông tin về luật sư mà họ đang giao dịch. 
 
- Theo ông, có cần phân loại luật sư như ở một số nước?
 
- Theo tôi không nên. Lấy cái gì để làm tiêu chí? Bởi có nhiều luật sư tuy mới vào nghề, nhưng họ rất giỏi. Có những luật sư vào nghề 20 năm, nhưng  kỹ năng, năng lực của họ không nhiều.
 
Chúng ta đã có sự phân cấp giữa luật sư đang tập sự và luật sư chính thức.  Khi đã là luật sư  chính thức thì không nên phân cấp nữa, các tổ chức hành nghề đã quản lý luật sư rất là chặt chẽ, thù lao, phân công công việc chính là sự phân cấp đối với năng lực, trình độ của mỗi luật sư. Ví dụ luật sư mới ra trường sẽ có  mức lương, chế độ làm việc khác với các luật sư lâu năm, nhiều kinh nghiệm…
 
Và đặc biệt, hoạt động luật sư mang tính chất dịch vụ pháp lý. Chính thị trường, khách  hàng sẽ có sự phân biệt, chọn lựa nghiêm khắc đối với trình độ, năng lực của luật sư.
 
- Ông có cho rằng Dự thảo Luật sửa đổi nê bổ sung những chế tài để siết chặt hoạt động của các luật sư?
 
- Quy định hiện hành về trách nhiệm của luật sư nằm trong rất nhiều luật như luật Hình sự, tố Tụng Hình sự, luật Luật sư… Điều  lệ của Liên đoàn Luật sư nói một loạt về những điều được phép và không được phép của luật sư.  
 
Trong quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Liên đoàn đề ra, có những hành vi mà nếu vi phạm  chưa chắc luật pháp xử được họ, nhưng Liên đoàn và Đoàn luật sư có thể, thậm chí có thể khai trừ, ví dụ có chuyện lem nhem tiền bạc với khách hàng, nhưng không đến mức để khởi tố hình sự, anh không lừa đảo, chiếm đoạt, nhưng anh lợi dụng tình thế nào đó để nhằm lấy tiền của họ dù thông qua hình thức thỏa thuận khách hàng, nhưng mục đích chính là đòi thêm thu lao. Hành vi đó nếu xét về hình sự thì rất khó xử, nhưng quy  tắc đạo đức ứng xử của luật sư là xử lý rất nghiêm khắc.
 
Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý nên có thêm những quy định về hành nghề luật sư trong Luật Luật sư.
 
- Về vấn đề đào tạo nghề Luật sư, Dự thảo luật cho rằng cần tăng thời gian đào tạo, và giảm thời gian thực tập, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
 
- Tôi đồng quan điểm với rất nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng cần tăng thời gian thực tập, chứ không nên giảm. Việc đào tạo  thì không nên tăng, bởi hầu hết họ vừa học xong Đại học Luật, một chương trình giáo dục tốt thì chỉ cần 6 tháng là đã quá đủ. Về thời gian thực tập, đó mới là khoảng thời gian bổ ích đối với người luật sư, khi họ tiếp cận với các luật sư giỏi, với hồ sơ vụ án để tích lũy kinh nghiệm làm việc…
 
- Về quyền lợi của Luật sư, Luật luật sư có đảm bảo được cho luật sư không bị cản trở khi hành nghề?
 
Luật đưa ra rất nhiều điều cấm đối với luật sư, nhưng cũng chỉ có một điều ghi chung chung là "cấm cản trở luật sư hành nghề" nhưng không có hành vi cụ thể nào cả. Thế nên, rất khó để có thể nói là Luật có thể đảm bảo cho người hành nghề không bị cản trở.
 
- Trong quá trình tố tụng, nhiều luật sư cho rằng quyền bào chữa của bị can, bị cáo hiện nay chưa được đảm bảo. Luật Luật sư sửa đổi có giải quyết được vấn đề này? 
 
- Điều này phải được giải quyết bằng luật TTHS. Bộ luật TTHS đang được sửa đổi, tôi hy vọng ban soạn thảo sẽ lưu ý vấn đề này để quyền của người bị tạm giam, tạm giữ sẽ được bảo đảm trên thực chất.
 
Theo Bộ Luật HS, một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án có hiệu lực của tòa án, như vậy khi họ mới chỉ bị tạm giam, tạm giữ thì không thể là có tội. Khi đó, họ rất bất an, bất ổn, và lúc đó là lúc họ cần luật sư nhất. Ở các nước,  họ đều có quyền được im lặng đến khi có luật sư. Hướng cải cách Tố tụng Hình sự lần này nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần tiến tới quy định đó. Luật sư phải được tiếp cận nhanh hơn, sớm hơn và không bị giám sát khi tiếp cận với người bị giam giữ.
 
- Xin cám ơn ông!
 
Vân Tùng (thực hiện)
 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,077

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]