Năm 2025: Sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công nếu tình hình kinh tế - xã hội thuận lợi hơn (Hình từ Internet)
Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo đó, Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Trong đó, có nhiệm vụ về phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới như sau:
- Triển khai hiệu quả Kết luận 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền lương; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những nội dung mới liên quan đến tiền thưởng của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nghiên cứu, đề xuất xử lý các bất hợp lý phát sinh trong chế độ cho một số đối tượng, ngành nghề (viên chức ngành giáo dục, y tế...); đề xuất việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong trường hợp tình hình kinh tế - xã hội năm 2025 thuận lợi hơn và cân đối được nguồn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Phát triển mạnh công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; tạo lập môi trường thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Áp dụng mã số an sinh xã hội cho người dân.
- Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tránh chồng chéo, trùng lắp, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động mất việc làm ổn định cuộc sống; hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.
- Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển mạnh thị trường lao động; làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và tăng cường quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Chỉ thị 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư. Ổn định, duy trì các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động. Năm 2025, đưa khoảng 130 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" và các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Phấn đấu đến hết năm 2025, hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội.
- Nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng. Triển khai lộ trình tăng số lượng vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030; thực hiện tốt Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025.
- Tập trung cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xem thêm Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.