Quy định mới về hoạt động bảo lãnh ngân hàng điện tử từ ngày 01/4/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
13/01/2025 10:45 AM

Quy định mới về hoạt động bảo lãnh ngân hàng điện tử từ ngày 01/4/2025 là nội dung tại Thông tư 61/2024/TT-NHNN.

Quy định mới về hoạt động bảo lãnh ngân hàng điện tử từ ngày 01/4/2025

Quy định mới về hoạt động bảo lãnh ngân hàng điện tử từ ngày 01/4/2025 (Hình từ Internet)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Quy định mới về hoạt động bảo lãnh ngân hàng điện tử từ ngày 01/4/2025

Theo Điều 9 Thông tư 61/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (bảo lãnh ngân hàng điện tử) như sau:

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là hoạt động bảo lãnh điện tử).

Việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải phù hợp với quy định tại Thông tư 61/2024/TT-NHNN; quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; giao dịch điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Khi thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử đối với khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ trường hợp khách hàng gửi đề nghị bằng điện xác thực thông qua hệ thống SWIFT hoặc khách hàng sử dụng chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện như sau:

+ Đối với khách hàng là người cư trú: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

+ Đối với khách hàng là người không cư trú: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng trên cơ sở tự đánh giá mức độ rủi ro để lựa chọn, quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phù hợp, đảm bảo an toàn và tự chịu rủi ro phát sinh.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử áp dụng đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

+ Biện pháp, hình thức, công nghệ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lựa chọn phải tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn, bảo mật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

+ Áp dụng các hình thức xác nhận giao dịch điện tử phù hợp đối với khách hàng khi thực hiện các giao dịch điện tử trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh điện tử theo quy định của pháp luật liên quan;

+ Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết đối với các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh điện tử. Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, xác minh khách hàng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh điện tử; giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ, bảo quản thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và pháp luật về giao dịch điện tử;

+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, bảo mật của các biện pháp, hình thức, công nghệ và thực hiện nâng cấp, cập nhật kịp thời trong trường hợp có dấu hiệu mất an toàn;

+ Quy định vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, bộ phận xây dựng, thiết lập và vận hành hệ thống thông tin phục vụ khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng trong nghiệp vụ bảo lãnh điện tử. Trường hợp có rủi ro phát sinh, ngân hàng phải có cơ chế để xác định từng cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời các vấn đề, rủi ro phát sinh để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh điện tử của ngân hàng.

- Trường hợp thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử thì giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh (trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, áp dụng tỷ giá quy đổi theo quy định của bên bảo lãnh tại thời điểm phát hành cam kết bảo lãnh) phát hành cho khách hàng cá nhân không được vượt quá 4.000.000.000 (bốn tỷ) đồng Việt Nam và cho khách hàng tổ chức không được vượt quá 45.000.000.000 (bốn mươi lăm tỷ) đồng Việt Nam, trừ các trường hợp sau:

+ Thông tin nhận biết khách hàng được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác thực điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

+ Khách hàng gửi đề nghị cấp bảo lãnh bằng điện xác thực thông qua hệ thống SWIFT;

+ Thông tin khách hàng và nghĩa vụ được bảo lãnh được đối chiếu khớp đúng thông qua Cổng thanh toán điện tử hải quan hoặc hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

+ Khách hàng sử dụng chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật khi đề nghị cấp bảo lãnh hoặc ký thỏa thuận cấp bảo lãnh với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

+ Khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải tuân thủ theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Xem thêm tại Thông tư 61/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025, thay thế Thông tư 11/2022/TT-NHNNThông tư 49/2024/TT-NHNN.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]