Cấu trúc đề kiểm tra định kỳ của học sinh THPT từ học kỳ 2 năm 2024-2025 (Hình từ internet)
Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 7991/BGDĐT-GDTrH ngày 17/12/2024 về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS, THPT.
Công văn 7991/BGDĐT-GDTrH |
Theo đó, với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, Sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục ở cấp THPT xây dựng ma trận, bản đặc tả, đề kiểm tra và hướng dẫn chấm đề kiểm tra định kì bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, kĩ thuật (tham khảo Phụ lục kèm theo); trong năm học 2024-2025 triển khai thực hiện từ học kì 2.
Ma trận mới đề kiểm tra định kỳ của các môn gồm 2 phần: Trắc nghiệm khách quan (7 điểm) và tự luận (3 điểm). Cụ thể như sau:
Trong phần trắc nghiệm khách quan, học sinh sẽ phải giải quyết 3 dạng câu hỏi:
- Nhiều lựa chọn (3 điểm);
- Đúng - Sai (2 điểm): Mỗi câu hỏi bao gồm 4 ý nhỏ, mỗi ý học sinh phải chọn đúng hoặc sai. Một số tài liệu xếp loại câu hỏi này vào loại Nhiều lựa chọn phức hợp hoặc Nhiều lựa chọn có nhiều phương án đúng;
- Trả lời ngắn (2 điểm): Đối với môn học không sử dụng dạng này thì chuyển toàn bộ số điểm cho dạng “Đúng – Sai”.
(1) Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
- Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.
- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.
- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.
(2) Trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét có 01 (một) lần đánh giá giữa kì và 01 (một) lần đánh giá cuối kì.
(3) Trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có 01 (một) điểm đánh giá giữa kì (sau đây viết tắt là ĐĐGgk) và 01 (một) điểm đánh giá cuối kì (sau đây viết tắt là ĐĐGck).
(4) Những học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá đủ số lần theo quy định tại (2), (3) nếu có lí do bất khả kháng thì được kiểm tra, đánh giá bù với yêu cầu cần đạt tương đương với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu. Việc kiểm tra, đánh giá bù được thực hiện theo từng học kì.
(5) Trường hợp học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá bù theo quy định tại (4) thì được đánh giá mức Chưa đạt hoặc nhận 0 (không) điểm đối với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu.
(Điều 7 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT)