Đã có Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết 28/2016/QH14 và Nghị quyết 107/2020/QH14.
Cụ thể, Dự thảo Nghị quyết này sẽ có 02 điều:
- Điều 1. Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết 28/2016/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội và Nghị quyết 107/2020/QH14 ngày 10 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030.
- Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Về đối tượng áp dụng:
Các đối tượng áp dụng của chính sách này gồm:
- Người nộp thuế là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp;
- Cơ quan quản lý, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết này nhằm bảo đảm các mục tiêu, quan điểm như sau:
(1) Mục đích:
- Thế chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
- Tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
- Đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế.
(2) Quan điểm
Pháp luật về đất đai quy định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất là một biện pháp được sử dụng phổ biến nhằm duy trì được sinh kế lâu dài; khuyến khích việc cải tạo, bảo vệ đất, khai thác, sử dụng đất đai bền vững và hiệu quả, đồng thời tạo nguồn thu cho NSNN, là công cụ để Nhà nước quản lý đất đai, điều tiết thị trường BĐS.
Theo đó, quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết theo các nguyên tắc sau:
- Việc xây dựng dự án Nghị quyết phù hợp với Hiến pháp năm 2013; thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Quyết định số 537/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Kế thừa và phát huy những quy đinh đã được thực hiện ổn định, mang lại tác động tích cực đến kinh tế - xã hội.
- Đảm bảo tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế có giá trị phù hợp với thực tiến Việt Nam.