Kế hoạch 140: 02 cơ quan thuộc Chính phủ sẽ kết thúc hoạt động

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
06/12/2024 09:52 AM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về kết thúc hoạt động của 02 cơ quan thuộc Chính phủ.

Kế hoạch 140: 02 cơ quan thuộc Chính phủ sẽ kết thúc hoạt động (Hình từ internet)

Ngày 05/12/2024, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đã có Kế hoạch 140/KH-BCĐTKNQ18 về Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ.

Kế hoạch 140: 02 cơ quan thuộc Chính phủ sẽ kết thúc hoạt động

Theo đó, Kế hoạch 140/KH-BCĐTKNQ18 đã đưa ra định hướng kết thúc hoạt động của 02 cơ quan thuộc Chính phủ sau đây: 

(1) Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các Bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan. 

Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển; các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu; nghiên cứu chuyển chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước về các Bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực.

Đối với một số tập đoàn lớn (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam...) thì nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.

(2) Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan.

Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển nhiệm vụ của Ủy ban về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính (gồm: chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng), trong điều kiện các luật chuyên ngành đang giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành thực hiện chức năng giám sát chuyên ngành (Bộ Tài chính giám sát thị trường chứng khoán, bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giám sát hoạt động ngân hàng), cần thành lập tổ chức phối hợp liên ngành do Lãnh đạo Chính phủ làm người đứng đầu để chỉ đạo hoạt động điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính.

Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở thực hiện phương án nêu trên, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026 - 2031) sẽ được tinh gọn còn 04 cơ quan thuộc Chính phủ. Tức giảm 04 cơ quan thuộc Chính phủ.

Ưu điểm, hạn chế của việc tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ

Kế hoạch 140/KH-BCĐTKNQ18 cũng đã nêu rõ ưu điểm, hạn chế của việc tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ như sau:

- Ưu điểm:

+ Hoàn thiện mô hình tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với một số lĩnh vực theo yêu cầu Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 56/2017/QH14, Kết luận 74-KL/TW, Kết luận 50-KL/TW, Kết luận 62-KL/TW, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; đồng thời, điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

+ Cùng với việc sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ nêu trên sẽ thực hiện sắp xếp lại tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế một cách triệt để gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công theo đúng chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.

- Hạn chế:

(1) Do số lượng cơ quan các thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi sự tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo. 

(2) Thực hiện phương án sắp xếp này thì quy mô, phạm vi của một số Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sẽ lớn, đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu Bộ và đội ngũ lãnh đạo Bộ. 

Vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ trong công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả.

Xem thêm nội dung tại Kế hoạch 140/KH-BCĐTKNQ18 ban hành ngày 05/12/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 424

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]