CMKTNN 2230: Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
29/11/2024 12:15 PM

Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính sẽ được thực hiện theo quy định mới tại CMKTNN 2230 ban hành kèm theo Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN.

CMKTNN 2230: Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính (Hình từ internet)

Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN ngày 15/11/2024 ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước.

Trong đó có quy định về Chuẩn mực kiểm toán nhà nước 2230 - Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính (gọi tắt là CMKTNN 2230) như sau:

CMKTNN 2230: Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính

CMKTNN 2230 được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở CMKTNN 100 (Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước), CMKTNN 200 (Các nguyên tắc của kiểm toán tài chính) và ISSAI 2230 (Tài liệu, hồ sơ kiểm toán) của INTOSAI.

CMKTNN 2230 - Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính

 

Theo đó, CMKTNN 2230 quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước, các đơn vị của Kiểm toán nhà nước có liên quan trong việc lập và lưu trữ tài liệu, hồ sơ kiểm toán cho một cuộc kiểm toán tài chính. Các quy định và hướng dẫn cụ thể trong các chuẩn mực kiểm toán nhà nước khác quy định về tài liệu kiểm toán nhằm làm rõ hơn việc áp dụng CMKTNN 2230 trong các trường hợp cụ thể nhưng không giới hạn phạm vi áp dụng. Pháp luật và các quy định có thể có các yêu cầu khác về tài liệu, hồ sơ liên quan đến công tác kiểm toán.

- Về nguyên tắc, việc tuân thủ các yêu cầu của CMKTNN 2230 sẽ bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ và thích hợp của tài liệu kiểm toán trong mọi trường hợp.

- Tài liệu, hồ sơ kiểm toán đáp ứng được các quy định, hướng dẫn của Chuẩn mực này, các chuẩn mực kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan có thể cung cấp:

+ Bằng chứng của cơ sở đưa ra ý kiến của kiểm toán viên nhà nước về việc đạt được mục tiêu chung của cuộc kiểm toán;

+ Bằng chứng cho thấy cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện phù hợp với quy định của các chuẩn mực kiểm toán nhà nước, pháp luật và các quy định có liên quan.

- Tài liệu, hồ sơ kiểm toán còn phục vụ một số mục đích khác như:

+ Trợ giúp việc lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán;

+ Làm cơ sở giúp kiểm toán viên nhà nước đưa ra kiến nghị trong báo cáo kiểm toán;

+ Trợ giúp cho các cấp lãnh đạo quản lý, chỉ đạo, giám sát công việc kiểm toán theo quy định;

+ Trợ giúp cho kiểm toán viên nhà nước giải trình về kết quả kiểm toán;

+ Lưu trữ bằng chứng về các vấn đề quan trọng cho các cuộc kiểm toán sau;

+ Phục vụ công việc soát xét, kiểm soát chất lượng kiểm toán;

+ Phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định; các cuộc kiểm tra, thanh tra từ bên ngoài theo yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan;

+ Phục vụ các mục đích khác.

- Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán, các bên có liên quan và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này để phối hợp công việc với kiểm toán viên nhà nước và giải quyết các mối quan hệ trong quá trình kiểm toán. 

Nội dung, phạm vi và hình thức của tài liệu kiểm toán tài chính 

(1) Kiểm toán viên nhà nước phải lập đầy đủ tài liệu kiểm toán để kiểm toán viên nhà nước có kinh nghiệm không tham gia cuộc kiểm toán dựa vào hồ sơ kiểm toán có thể hiểu được:

- Nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán đã thực hiện và đã tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán nhà nước, yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan;

- Kết quả của các thủ tục kiểm toán đã thực hiện và bằng chứng kiểm toán đã thu thập;

- Các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm toán, các xét đoán chuyên môn quan trọng được thực hiện, quá trình hình thành các ý kiến, đánh giá và kiến nghị kiểm toán.

(2) Nội dung và phạm vi của tài liệu kiểm toán phụ thuộc vào các yếu tố như:

- Quy mô và độ phức tạp của đơn vị được kiểm toán;

- Nội dung của các thủ tục kiểm toán được thực hiện;

- Các rủi ro có sai sót trọng yếu đã xác định;

- Mức độ quan trọng của bằng chứng kiểm toán đã thu thập;

- Bản chất và phạm vi của các vấn đề bất thường được xác định;

- Sự cần thiết phải ghi lại phát hiện kiểm toán hoặc cơ sở để đưa ra ý kiến rằng nếu chỉ dựa trên các ghi chép về công việc đã thực hiện hoặc bằng chứng kiểm toán đã thu thập thì chưa thể xác định được;

- Phương pháp tiếp cận kiểm toán và công cụ sử dụng để kiểm toán.

(3) Tài liệu kiểm toán phải ghi lại nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán đã thực hiện bao gồm:

- Đặc điểm đã xác định của các khoản mục cụ thể hoặc các vấn đề được kiểm tra;

- Người thực hiện công việc kiểm toán và ngày bắt đầu, ngày hoàn thành công việc đó;

- Người soát xét công việc kiểm toán đã thực hiện, thời gian và phạm vi soát xét theo yêu cầu của CMKTNN 2220 (Kiểm soát chất lượng đối với cuộc kiểm toán tài chính).

(4) Tài liệu kiểm toán được ghi chép trên giấy, phương tiện điện tử hoặc các hình thức khác, thông thường bao gồm:

- Các giấy tờ làm việc, bảng biểu tính toán của kiểm toán viên nhà nước;

- Các giải trình, văn bản trao đổi với đơn vị được kiểm toán;

- Kiểm toán viên nhà nước có thể sử dụng bản tóm tắt hoặc bản sao tài liệu của đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, tài liệu kiểm toán không thể thay thế cho các chứng từ kế toán của đơn vị được kiểm toán.

(5) Các giải thích bằng lời của kiểm toán viên nhà nước không được coi là bằng chứng đầy đủ cho công việc mà kiểm toán viên nhà nước đã thực hiện hoặc đánh giá nhưng có thể được sử dụng để giải thích hoặc làm rõ thông tin trong tài liệu kiểm toán.

(6) Khi đánh giá tầm quan trọng của một vấn đề, kiểm toán viên nhà nước cần phân tích khách quan về hoàn cảnh cụ thể liên quan. Các vấn đề quan trọng cần đánh giá thường bao gồm:

- Các vấn đề làm phát sinh các rủi ro đáng kể;

- Kết quả của các thủ tục kiểm toán cho thấy: Báo cáo tài chính có sai sót trọng yếu; hoặc cần phải thay đổi đánh giá trước đó của kiểm toán viên nhà nước về các rủi ro có sai sót trọng yếu và cách giải quyết của kiểm toán viên nhà nước đối với các rủi ro đó;

- Các trường hợp gây khó khăn cho kiểm toán viên nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục kiểm toán cần thiết;

- Các phát hiện dẫn đến việc đưa ra ý kiến kiểm toán không phải ý kiến chấp nhận toàn phần hoặc bổ sung đoạn “Vấn đề quan trọng”, “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán.

(7) Một yếu tố quan trọng trong việc xác định nội dung và phạm vi của tài liệu kiểm toán đối với các vấn đề quan trọng là phạm vi và mức độ xét đoán chuyên môn được đưa ra khi thực hiện công việc kiểm toán và đánh giá kết quả. Các ghi chép về xét đoán chuyên môn quan trọng giúp giải thích cho đánh giá của kiểm toán viên nhà nước và củng cố chất lượng của xét đoán đó. Những vấn đề đó là mối quan tâm lớn của những người chịu trách nhiệm soát xét tài liệu kiểm toán, kể cả những người sẽ thực hiện kiểm toán năm sau khi soát xét các vấn đề quan trọng.

(8) Tài liệu kiểm toán liên quan đến việc sử dụng xét đoán chuyên môn cho các vấn đề quan trọng cần được lập trong các trường hợp:

- Khi chuẩn mực kiểm toán yêu cầu kiểm toán viên nhà nước phải xem xét một số thông tin và yếu tố nhất định có ảnh hưởng quan trọng đối với cuộc kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải đưa ra các cơ sở cho ý kiến của mình;

- Cơ sở cho đánh giá của kiểm toán viên nhà nước về tính hợp lý của các nội dung kiểm toán cần xét đoán chủ quan;

- Cơ sở cho đánh giá của kiểm toán viên nhà nước về tính xác thực của một tài liệu khi thực hiện kiểm tra sâu hơn (như sử dụng chuyên gia hoặc thủ tục xác nhận) do các phát hiện trong quá trình kiểm toán làm kiểm toán viên nhà nước tin rằng tài liệu đó có thể không xác thực.

(9) Việc ghi chép các đặc điểm đã xác định trong tài liệu kiểm toán giúp kiểm toán viên nhà nước giải trình về công việc đã thực hiện và hỗ trợ việc kiểm tra các vấn đề đặc biệt hoặc không nhất quán. Các đặc điểm đã xác định sẽ thay đổi tùy theo nội dung của thủ tục kiểm toán và khoản mục hoặc vấn đề được kiểm tra như:

- Đối với việc kiểm tra chi tiết, kiểm toán viên nhà nước có thể xác định các tài liệu được chọn để kiểm tra theo nội dung, thứ tự thời gian phát sinh…;

- Đối với thủ tục yêu cầu lựa chọn hoặc kiểm tra tất cả các khoản mục lớn hơn một mức giá trị cụ thể trong một tổng thể, kiểm toán viên nhà nước phải ghi lại phạm vi của thủ tục và xác định tổng thể đã lựa chọn;

- Đối với thủ tục yêu cầu lấy mẫu hệ thống từ một tổng thể chứng từ, kiểm toán viên nhà nước có thể xác định các chứng từ được chọn bằng cách ghi lại nguồn gốc của chứng từ, điểm xuất phát và khoảng cách mẫu;

- Đối với thủ tục yêu cầu phỏng vấn một nhân viên cụ thể của đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải ghi lại thời gian phỏng vấn, tên và chức danh của người được phỏng vấn, nội dung phỏng vấn;

- Đối với thủ tục quan sát, kiểm toán viên nhà nước phải ghi lại quá trình hoặc vấn đề quan sát được, các cá nhân liên quan, trách nhiệm của từng cá nhân và thời gian, địa điểm thực hiện thủ tục quan sát...

(10) Kiểm toán viên nhà nước phải ghi lại nội dung các vấn đề quan trọng, thời gian và người tham gia của những cuộc thảo luận với đơn vị được kiểm toán và những đối tượng khác. Khi thảo luận với người ngoài đơn vị được kiểm toán về các vấn đề có liên quan đến cuộc kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước cũng cần ghi chép, lưu trữ trong hồ sơ kiểm toán nội dung, thời gian, kết quả thảo luận. Các ghi chép không chỉ bao gồm tài liệu do kiểm toán viên nhà nước lập mà còn bao gồm các tài liệu khác như biên bản họp do đơn vị được kiểm toán lập và được kiểm toán viên nhà nước thu thập.

(11) Nếu kiểm toán viên nhà nước phát hiện các thông tin không nhất quán với đánh giá cuối cùng của kiểm toán viên nhà nước về một vấn đề quan trọng, kiểm toán viên nhà nước phải ghi lại cách giải quyết vấn đề không nhất quán này bằng văn bản.

(12) Trong trường hợp đặc biệt, nếu kiểm toán viên nhà nước xét thấy cần phải không tuân thủ một yêu cầu của một chuẩn mực kiểm toán nhà nước thì kiểm toán viên nhà nước phải ghi lại cách thức thực hiện thủ tục kiểm toán thay thế nhằm đạt được mục tiêu của yêu cầu này và lý do của việc không tuân thủ.

Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 308

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]