Hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
06/11/2024 08:15 AM

Từ ngày 01/01/2025, hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động sẽ thực hiện theo Nghị định 143/2024/NĐ-CP.

Hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025

Hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)

Ngày 01/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025

Cụ thể, người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

- Không thuộc các trường hợp quy định sau đây:

+ Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;

+ Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

+ Sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.

(Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP)

Hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025

Theo Điều 22 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, các thành phần trong hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ ngày 01/01/2025 gồm:

- Sổ bảo hiểm xã hội;

- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú;

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;

- Bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đối với trường hợp chết do tai nạn lao động;

- Biên bản điều tra tai nạn lao động;

- Đơn đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người lao động hoặc thân nhân người bị nạn đối với trường hợp tai nạn lao động chết người theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 143/2024/NĐ-CP;

- Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.

Trường hợp kết quả giám định lại làm tăng mức suy giảm khả năng lao động được quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị bổ sung chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm có:

- Sổ bảo hiểm xã hội;

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa,

- Đơn đề nghị giải quyết bổ sung chế độ tai nạn lao động của người lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 143/2024/NĐ-CP;

- Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.

Trình tự giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025

Cụ thể, người lao động hoặc thân nhân người lao động bị nạn nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trong thời hạn như sau:

- 30 ngày, kể từ ngày nhận được Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa,

- 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bị chết.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.

Lưu ý:

- Trường hợp vượt quá thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, thì người lao động hoặc thân nhân người lao động phải có văn bản nêu rõ lý do, gửi cơ quan bảo hiểm xã hội cùng với hồ sơ hưởng.

- Trường hợp vượt quá thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải trình bằng văn bản cho người nộp hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do.

- Trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và chi trả tiền trợ cấp chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của bản thân người lao động hoặc của thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động.

(Điều 23, Điều 24 Nghị định 143/2024/NĐ-CP)

Xem thêm tại Nghị định 143/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 246

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]