Tổng cục Thuế hướng dẫn xử lý hoàn vốn đầu tư ngân sách nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
29/10/2024 12:15 PM

Bài viết sau có nội dung về công tác hoàn vốn đầu tư ngân sách nhà nước được Tổng cục Thuế hướng dẫn trong Công văn 4774/TCT-CS năm 2024.

Tổng cục Thuế hướng dẫn xử lý hoàn vốn đầu tư ngân sách nhà nước

Tổng cục Thuế hướng dẫn xử lý hoàn vốn đầu tư ngân sách nhà nước (Hình từ Internet)

Ngày 24/10/2024, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 4774/TCT-CS năm 2024 xử lý hoàn vốn.

Tổng cục Thuế hướng dẫn xử lý hoàn vốn đầu tư ngân sách nhà nước

Theo đó, đối với công tác xử lý hoàn vốn đầu tư ngân sách nhà nước Tổng cục Thuế đã hướng dẫn cụ thể tại trong Công văn 4774/TCT-CS năm 2024 như sau:

Căn cứ tài liệu Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cung cấp:

- Văn bản 3691/PCDN-2 năm 2012 của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai gửi UBND huyện Nhơn Trạch về việc đầu tư hệ thống điện phục vụ cho khu tiểu thủ công nghiệp huyện Nhơn Trạch;

- Văn bản 3586/UBND-CN năm 2012 của Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch về việc đầu tư hệ thống điện phục vụ cho Khu tiểu thủ công nghiệp huyện Nhơn Trạch;

- Báo cáo kết quả cuộc họp 490/BC-UBND năm 2023 của Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch về việc xử lý hoàn trả kinh phí đầu tư đường dây 22kV cấp điện cho Cụm công nghiệp Phú Thạnh – Vĩnh Thanh;

- Văn bản 3439/STC-NSNN năm 2023 của Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai gửi Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch về việc hoàn trả kinh phí ngân sách đã ứng vốn đầu tư đường dây 22kV trong Cụm công nghiệp Phú Thạnh - Vĩnh Thanh.

Việc hoàn vốn đối với đường dây 22kV cấp điện cho Cụm công nghiệp Phú Thạnh - Vĩnh Thanh huyện Nhơn Trạch liên quan đến việc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn và vướng mắc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thuế.

Đề nghị Cục Thuế tỉnh Đồng Nai phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai để xác định bản chất việc ngân sách ứng vốn để xây dựng công trình “Đường dây 22kV cấp điện cho Cụm Công nghiệp Phú Thạnh – Vĩnh Thanh, Nhơn Trạch” từ đó các bên có liên quan xử lý việc hoàn vốn đầu tư theo quy định của pháp luật ngân sách.

Tổng cục Thuế có ý kiến để Cục Thuế tỉnh Đồng Nai được biết.

Nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước

Nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước 2015 bao gồm:

- Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Việc ban hành chính sách thu ngân sách phải bảo đảm nguyên tắc cân đối ngân sách trong trung hạn, dài hạn và thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế.

- Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao để chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách; trường hợp đặc biệt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp bội thu ngân sách thì được sử dụng để trả nợ gốc và lãi các khoản vay của ngân sách nhà nước.

- Vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

- Bội chi ngân sách trung ương được bù đắp từ các nguồn sau:

+ Vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

+ Vay ngoài nước từ các khoản vay của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, không bao gồm các khoản vay về cho vay lại.

- Bội chi ngân sách địa phương:

+ Chi ngân sách địa phương cấp tỉnh được bội chi; bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+ Bội chi ngân sách địa phương được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

+ Bội chi ngân sách địa phương được tổng hợp vào bội chi ngân sách nhà nước và do Quốc hội quyết định. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện được phép bội chi ngân sách địa phương để bảo đảm phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương và tổng mức bội chi chung của ngân sách nhà nước.

- Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương:

+ Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp;

+ Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp;

+ Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Xem thêm Công văn 4774/TCT-CS ban hành ngày 24/10/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 193

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn