Tổng cục Thuế hướng dẫn về cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với chi nhánh ngoại tỉnh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
03/10/2024 11:15 AM

Bài viết sau có nội dung về cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với chi nhánh ngoại tỉnh được Tổng cục Thuế hướng dẫn trong Công văn 4359/TCT-QLN năm 2024.

 

Tổng cục Thuế hướng dẫn về cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với chi nhánh ngoại tỉnh

Tổng cục Thuế hướng dẫn về cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với chi nhánh ngoại tỉnh (Hình từ Internet)

Ngày 30/9/2024, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 4359/TCT-QLN cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với chi nhánh ngoại tỉnh.

Tổng cục Thuế hướng dẫn về cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với chi nhánh ngoại tỉnh

Theo đó, thì sau khi Tổng cục Thuế nhận được Công văn 5904/CTQNA-QLN năm 2024 của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam về việc phối hợp cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với chi nhánh ngoại tỉnh. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế hướng dẫn tại Công văn 4359/TCT-QLN năm 2024 như sau:

Căn cứ tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:

Điều 125, Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế

1. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:

a) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;

b) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

c) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

d) Ngừng sử dụng hóa đơn;

đ) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật;

e) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;

g) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Căn cứ tại khoản 6 Điều 84 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

“Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân

6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.”

Căn cứ tại khoản 6 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 34. Cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn

6. Trường hợp người nộp thuế bị cưỡng chế là chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn tỉnh/huyện này nhưng có trụ sở chính ở địa bàn tỉnh/huyện khác, cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc không có đủ điều kiện để thực hiện cưỡng chế hoặc không thực hiện được quyết định cưỡng chế thì cơ quan thuế quản lý chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc chuyển toàn bộ hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trụ sở chính để cơ quan thuế quản lý trụ sở chính thực hiện ban hành quyết định cưỡng chế.”

Căn cứ các quy định nêu trên, đề nghị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục Thuế Thành phố Hà Nội để thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Sông Đà 6.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Quảng Nam biết và triển khai thực hiện theo quy định.

Hóa đơn là gì? Các hành vi nào bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Ngoài ra, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ được quy định tại Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP bao gồm:

- Đối với công chức thuế

+ Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;

+ Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;

+ Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

- Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan

+ Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;

+ Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;

+ Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;

+ Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

Xem thêm Công văn 4359/TCT-QLN ban hành ngày 30/9/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 735

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]