Thủ tục thanh lý tài sản công từ ngày 30/10/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
18/09/2024 10:00 AM

Từ ngày 30/10/2024, thủ tục thanh lý tài sản công sẽ có sự thay đổi về trình tự thực hiện so với quy định đây.

Thủ tục thanh lý tài sản công từ ngày 30/10/2024

Thủ tục thanh lý tài sản công từ ngày 30/10/2024 (Hình từ Internet)

Ngày 15/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

Thủ tục thanh lý tài sản công từ ngày 30/10/2024

Cụ thể, từ ngày 30/10/2024, trình tự, thủ tục thanh lý tài sản công sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định 151/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 114/2024/NĐ-CP) với nội dung như sau:

(1) Khi có tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật mà phải thanh lý; tài sản công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả (dự kiến chi phí sửa chữa lớn hơn 30% nguyên giá tài sản), nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất không phù hợp với quy hoạch phải phá dỡ, cơ quan nhà nước có tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản công, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Nghị định 151/2017/NĐ-CP xem xét, quyết định.

Trong đó, hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản gồm:

- Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công (trong đó nêu rõ trách nhiệm tổ chức thanh lý tài sản; dự kiến chi phí sửa chữa tài sản (theo báo giá của đơn vị có chức năng sửa chữa) trong trường hợp xác định việc sửa chữa không hiệu quả): 01 bản chính.

- Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính.

- Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (chủng loại, số lượng, diện tích; tình trạng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; hình thức thanh lý; lý do thanh lý): 01 bản chính.

- Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về xây dựng (Sở Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện) hoặc văn bản thẩm định của đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định về tình trạng tài sản và khả năng sửa chữa (đối với tài sản là nhà, công trình xây dựng chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được): 01 bản sao.

- Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị thanh lý tài sản (nếu có): 01 bản sao.

(2) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quyết định thanh lý tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị thanh lý không phù hợp.

Trong đó, nội dung chủ yếu của Quyết định thanh lý tài sản công gồm:

- Cơ quan nhà nước có tài sản thanh lý.

- Danh mục tài sản thanh lý (chủng loại, số lượng, diện tích; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; lý do thanh lý).

- Hình thức thanh lý tài sản (bán; phá dỡ, hủy bỏ và bán vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ (nếu có)).

- Quản lý, sử dụng tiền thu được từ thanh lý tài sản (nếu có).

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

(3) Trong thời hạn 60 ngày (đối với nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất), 30 ngày (đối với tài sản khác), kể từ ngày có quyết định thanh lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có tài sản thanh lý tổ chức thanh lý tài sản theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định 151/2017/NĐ-CP.

(4) Việc thanh toán tiền mua tài sản (nếu có) và nộp tiền vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP (trong trường hợp bán đấu giá), khoản 6 Điều 26 Nghị định này (trong trường hợp bán niêm yết, bán chỉ định).

(5) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh lý tài sản, cơ quan nhà nước có tài sản thanh lý hạch toán giảm tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán; báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định tại Điều 126, Điều 127 Nghị định 151/2017/NĐ-CP.

(6) Trường hợp phải phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án đầu tư theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt hoặc để giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thì cơ quan nhà nước có tài sản không phải thực hiện thủ tục báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công theo quy định; cơ quan nhà nước có tài sản có trách nhiệm bàn giao tài sản phải phá dỡ, hủy bỏ cho Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư thực hiện dự án, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Việc bàn giao được lập thành Biên bản theo Mẫu số 01/TSC-BBGN ban hành kèm theo Nghị định 114/2024/NĐ-CP; căn cứ Biên bản bàn giao tài sản, cơ quan nhà nước có tài sản thực hiện hạch toán giảm tài sản theo quy định.

Trường hợp thực hiện dự án đầu tư để xây dựng trụ sở làm việc thì Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư thực hiện dự án có trách nhiệm phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án và xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ theo quy định; trường hợp giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công từ ngày 30/10/2024

Theo Điều 28 Nghị định 151/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 114/2024/NĐ-CP), thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 được quy định như sau:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

- Người đứng đầu cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công quyết định thanh lý đối với:

+ Tài sản công là tài sản cố định theo thẩm quyền do của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

+ Tài sản công không phải là tài sản cố định.

Xem thêm tại Nghị định 114/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,473

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]