Đã có Nghị quyết 1338 về bổ sung ngân sách hỗ trợ chi trả cho giáo viên
Ngày 27/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 1338/NQ-UBTVQH15 về việc bổ sung có mục tiêu tù ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương; trong đó có hỗ trợ chi trả cho giáo viên.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị:
- Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền 5.834.437 triệu đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023 - 2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 - 2024 theo đúng nội dung, số liệu tại Tờ trình số 845/TTr-CP ngày 10/12/2024 của Chính phủ.
- Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền 600.000 triệu đồng để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn vốn từ các nông, lâm trường quốc doanh cho 19 địa phương theo đúng nội dung, số liệu tại Tờ trình số 858/TTr-CP ngày 18/12/2024 của Chính phủ.
Chính phủ chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý của các nội dung đề xuất, tính chính xác của số liệu, tính đầy đủ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung dự toán, giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bổ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và pháp luật liên quan; bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV.
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong việc xây dựng dự toán, hạn chế thấp nhất các khoản kinh phí không phân bổ được dự toán ngay từ đầu năm. Trong quá trình điều hành, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để sớm giao dự toán các khoản chưa phân bổ, tránh chậm trễ, kéo dài, lãng phí, kém hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước và xảy ra tình trạng giao dự toán cuối năm không kịp sử dụng, phải thực hiện việc chuyển nguồn kinh phí sang năm sau, nhất là các nguồn kinh phí liên quan đến an sinh xã hội và chế độ chính sách cho con người.
Xem thêm tại Nghị quyết 1338/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 27/12/2024.
Việc quản lý ngân sách nhà nước từ 01/01/2025 phải bảo đảm các nguyên tắc như sau:
- Ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
- Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản thu ngân sách thực hiện theo quy định của các luật thuế và chế độ thu theo quy định của pháp luật.
- Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên.
- Bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ về phát triển kinh tế; xóa đói, giảm nghèo; chính sách dân tộc; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ và những chính sách quan trọng khác.
- Bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh phí hoạt động của bộ máy nhà nước.
- Ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ.
- Bảo đảm chi trả các khoản nợ lãi đến hạn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
- Việc quyết định đầu tư và chi đầu tư chương trình, nhiệm vụ, dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải phù hợp với Luật Đầu tư công và quy định của pháp luật có liên quan. Đối với chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn phân bổ vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn dự phòng ngân sách nhà nước hằng năm thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước 2015.
Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng mục đích.
- Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên): mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác.
- Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
(Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước 2015, sửa đổi tại Luật số 56/2024/QH15)