Đề xuất quy định về Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
16/09/2024 12:00 PM

Dưới đây là nội dung của đề xuất quy định về Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đang được Bộ Y tế lấy ý kiến tại dự thảo Thông tư.

Đề xuất quy định về Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (Hình từ internet)

Bộ Y tế đã công bố dự thảo Thông tư quy định xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Đề xuất quy định về Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Cụ thể, tại dự thảo Thông tư, đã đề xuất các quy định về Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, sau đây là đơn cử một số quy định được đề xuất như sau:

(1) Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

- Bộ Y tế chủ trì xây dựng, phát triển và vận hành Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tập trung, thống nhất trên toàn quốc. Phân quyền cho Sở Y tế, Y tế các Bộ, ngành sử dụng phục vụ nhu cầu quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

- Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, về an ninh an toàn thông tin, đảm bảo tính liên thông và có khả năng tích hợp với các hệ thống liên quan khác như giám định bảo hiểm y tế, hệ thống thống kê y tế quốc gia.

(2) Nguyên tắc xây dựng và quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh

- Quản lý tập trung: Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế thống nhất quản lý, bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn, bảo mật thông tin, và phải có khả năng liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như hệ thống thông tin y tế khác. Hệ thống cần đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo mật, toàn vẹn dữ liệu, và khả năng truy cập cho các cơ quan có thẩm quyền.

- Bảo mật thông tin cá nhân: Thông tin sức khỏe cá nhân của người bệnh phải được bảo mật tuyệt đối theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hệ thống phải đảm bảo thông tin không bị tiết lộ trái phép, đồng thời bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật trong quá trình lưu trữ và trao đổi dữ liệu.

- Chia sẻ với các bên liên quan: Dữ liệu từ hệ thống thông tin quản lý khám bệnh, chữa bệnh có thể được chia sẻ với các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở y tế, và các tổ chức có thẩm quyền, nhằm phục vụ cho công tác quản lý, thống kê, và nghiên cứu y tế. Việc chia sẻ phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo mật và quyền riêng tư.

- Cập nhật và lưu trữ dữ liệu: Dữ liệu hệ thống phải được cập nhật đầy đủ, chính xác, và kịp thời từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các hình thức thuận tiện, thống nhất.

- Hiệu quả và tránh lãng phí: Việc xây dựng, quản lý, và vận hành hệ thống thông tin cần đảm bảo sử dụng nguồn lực hợp lý, tránh trùng lặp chức năng và dữ liệu. Đồng thời, hệ thống phải có khả năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành y tế trong tương lai.

(3) Nguồn dữ liệu của Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dữ liệu cho hệ thống từ các nguồn dữ liệu sau đây:

- Báo cáo Thống kê khám, chữa bệnh định kỳ: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm báo cáo thống kê hoạt động khám bệnh, chữa bệnh định kỳ 6 tháng một lần cho Bộ Y tế, bao gồm: số lượng bệnh nhân ngoại trú, bệnh nhân ngoại trú, các chẩn đoán chính, phẫu thuật, thủ thuật và các hoạt động chuyên môn khác.

- Báo cáo Kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm báo cáo kiểm tra đánh giá chất lượng, bao gồm: thông tin cơ sở khám chữa bệnh, giường bệnh, hoạt động chuyên môn, tài chính, nhân lực, bảng chất lượng bệnh viện tự chấm, bảng chất lượng bệnh viện do đoàn kiểm tra đánh giá, các hoạt động chuyên môn khác.

- Báo cáo Khẩn cấp trong trường hợp dịch bệnh: Khi có dịch bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện báo cáo khẩn cấp về tình hình dịch bệnh, số lượng bệnh nhân, diễn biến dịch và các biện pháp phòng chống dịch lên Bộ Y tế ngay khi có yêu cầu.

- Báo cáo Tai nạn giao thông, tai nạn thương tích: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện báo cáo thống kê tai nạn giao thông theo mẫu quy định, bao gồm số lượng ca cấp cứu, tình trạng bệnh nhân và nguyên nhân tai nạn.

- Báo cáo Thường trực trong nghỉ lễ, tết: Trong các dịp nghỉ lễ, tết, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải duy trì báo cáo hoạt động trực cấp cứu và điều trị, đồng thời gửi báo cáo tổng kết sau kỳ nghỉ cho Bộ Y tế.

- Thông tin người bệnh ra viện: Tất cả trường hợp ra viện theo Điều ## của dự thảo Thông tư.

- Báo cáo ca bệnh tử vong và người bệnh nặng xin về.

- Thông tin đăng ký hành nghề, đăng ký kê đơn: Cập nhật thông tin người hành nghề khi có thay đổi nhân sự người hành nghề, người kê đơn trên hệ thống.

 - Thông tin công khai y tế theo quy định: Thông tin về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, danh sách người hành nghề, thông tin về năng lực chuyên môn; thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

- Thông tin đăng ký, phê duyệt dịch vụ kỹ thuật mới: Các cơ sở khám chữa bệnh khi được phê duyệt triển khai kỹ thuật mới sẽ cập nhật thông tin lên hệ thống.

- Dữ liệu thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cung cấp các thông tin liên quan đến sức khoẻ trong dữ liệu thanh toán chi phí BHYT.

- Điều tra về y tế: Các điều tra về khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc Bộ ngành khác thực hiện.

Dự kiến nếu được thông qua, dự thảo Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Xem thêm nội dung tại dự thảo Thông tư.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn