Nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số báo chí ngành lao động đến năm 2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
12/09/2024 17:15 PM

Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành bao gồm 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số báo chí đến năm 2025

Nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 (Hình từ Internet)

Nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số báo chí đến năm 2025

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định 1331/QĐ-BLĐTBXH ngày 28/8/2024, kèm theo là Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đề ra 6 nhiệm vụ trong tâm như sau:

(1) Ban hành các quy định, hướng dẫn nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số báo chí của Bộ

- Nghiên cứu, ban hành các quy định quản lý thông tin, hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Bộ, các trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ, các trang báo điện tử của các cơ quan báo chí; thường xuyên cập nhật, đổi mới quy trình phù hợp với tình hình thực tế và tốc độ phát triển của khoa học, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo yêu cầu cung cấp thông tin của Bộ.

- Xây dựng, ban hành hướng dẫn về liên kết, kết nối, tích hợp các trang thông tin điện tử thành phần, trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ và trang báo điện tử của các cơ quan báo chí với Cổng Thông tin điện tử Bộ.

(2) Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền

- Nâng cao nhận thức của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan báo chí và đơn vị có liên quan về vai trò và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia; chuyển đổi số của Bộ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức, biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi số báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng.

(3) Phát triển các sản phẩm báo chí số, thông tin số

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, sáng tạo đa dạng loại hình ấn phẩm phù hợp trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước) hoặc trên các nền tảng tự xây dựng, vận hành (website, mobile, tablet, smartTV,...); tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung nhanh, rộng và chính xác hơn, phù hợp với nhu cầu của độc giả.

- Phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới trải nghiệm của độc giả; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.

- Đổi mới hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số, thông tin số (cá nhân hóa nội dung/ đa nền tảng/ thông tin di động/ thông tin dữ liệu/ thông tin đa phương tiện...).

(4) Phát triển hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin

- Nghiên cứu, xây dựng Kho tư liệu số dùng chung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kết nối, chia sẻ và khai thác nội dung (phóng sự, phim tài liệu, hình ảnh, âm thanh,...) giữa các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử Bộ và trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ và cung cấp thông tin cho các đối tượng khác có nhu cầu.

- Nghiên cứu, xây dựng các công cụ theo dõi, đánh giá chất lượng; đo lường, phân tích mức độ trải nghiệm, mức độ tương tác của xã hội đối với các sản phẩm thông tin được cung cấp trên các kênh thông tin thuộc Bộ.

- Nghiên cứu, phát triển hệ thống quản trị, giám sát và phân phối nội dung tập trung (CMS) trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ để tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử Bộ và trang thông tin điện tử của các đơn vị trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm thông tin.

- Hệ thống thông tin của các đơn vị được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt; kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) và Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (hệ thống EMC).

(5) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức/kỹ năng về chuyển đổi số báo chí cho lãnh đạo, đội ngũ làm công tác báo chí, truyền thông của các cơ quan báo chí và đơn vị có liên quan thuộc Bộ.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn thông tin, an ninh mạng.

- Các cơ quan báo chí và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm bồi dưỡng nhân lực về kiến thức chuyên môn phù hợp với lĩnh vực được giao phụ trách để đảm bảo phục vụ hoạt động chuyển đổi số báo chí.

(6) Tăng cường hợp tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm

Tăng cường hợp tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm đối với các Bộ, ngành, cơ quan báo chí Trung ương, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 773

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]