Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
22/08/2024 14:31 PM

Tại Nghị quyết 118/NQ-CP 2024 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp.

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp (Hình từ Internet)

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp

Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2024, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với: Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp. Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:

+ Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật, trình Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự, phòng ngừa ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; khắc phục những bất cập từ thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đồng thời luật hóa các quy định hiện hành về tình trạng khẩn cấp.

+ Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến các bộ, ngành, ý kiến của các Thành viên Chính phủ; rà soát các luật có liên quan, bảo đảm khả thi, không chồng chéo, trùng lắp; hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:

- Chính sách 1: Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về khái niệm tình trạng khẩn cấp và tình trạng khẩn cấp trên không gian mạng, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, mức độ, biện pháp, thời gian áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; huy động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ; sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong tình trạng khẩn cấp; xây dựng cơ chế chính sách, thủ tục thực hiện phải nhanh chóng, linh hoạt, sáng tạo; phân quyền, phân cấp tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và có cơ chế giám sát thực hiện; bảo đảm phân định rõ thẩm quyền quyết định, áp dụng biện pháp đặc biệt của các chủ thể trong tình trạng khẩn cấp theo tính chất, mức độ khác nhau, bảo đảm tính kịp thời, khả thi, phù hợp thực tiễn;

- Chính sách 2: Về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp: rà soát kỹ các quy định của pháp luật hiện hành, lựa chọn nội dung hợp lý để quy định, bảo đảm phù hợp, khả thi, thống nhất với hệ thống pháp luật; đề xuất rõ các giải pháp để có tiêu chí, mức độ hỗ trợ, cứu trợ gắn với thẩm quyền quyết định của từng cấp độ;

- Chính sách 3: Về bổ sung các biện pháp áp dụng trong tình huống đã ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3 nhưng thảm họa, sự cố có diễn biến phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà chưa cần thiết ban bố tình trạng khẩn cấp: Không đề xuất chính sách này mà thống nhất thực hiện theo Luật Phòng thủ dân sự 2023, Luật An ninh quốc gia 2004 và pháp luật có liên quan.

Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 gửi Bộ Tư pháp; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10).

Xem thêm tại Nghị quyết 118/NQ-CP ban hành ngày 03/8/2024.

Tình trạng khẩn cấp là gì?

Tình trạng khẩn cấp là trạng thái xã hội của đất nước khi cả nước, một hoặc nhiều địa phương có một trong các trường hợp sau xảy ra:

+ Thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

+ Dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

+ Tình hình đe dọa nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thảm hoạ lớn là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh vượt qua cấp độ thảm họa quy định tại Luật Quốc phòng. (Theo Điều 2 Dự thảo Đề cương chi tiết Luật Tình trạng khẩn cấp)

Các hành vi bị nghiêm cấm

- Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong tình trạng khẩn cấp.

- Cố ý gây thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân, cơ quan, tổ chức; ảnh hưởng đến môi trường, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh; bỏ trốn sau khi gây thảm họa, gây mất trật tự công cộng, tạo chướng ngại vật nguy hiểm, cản trở hoặc chống lại người thi hành nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.

- Lợi dụng tình trạng khẩn cấp để trục lợi, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước. (Điều 4 Dự thảo Đề cương chi tiết Luật Tình trạng khẩn cấp)

Dự thảo Đề cương chi tiết Luật Tình trạng khẩn cấp

Trần Huyền Trang

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 489

Bài viết về

lĩnh vực Quốc phòng - An ninh

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn