Quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
19/08/2024 15:30 PM

Những hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025).

Quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024

Quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (Hình từ Internet)

1. Những hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về những hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:

- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024;

- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024;

- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024;

- Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Chính phủ quy định chi tiết Điều 39; quy định các trường hợp thuộc khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 nhưng có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

- Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

- Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

- Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

3. Trách nhiệm đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

- Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm phát hiện và đôn đốc bằng văn bản.

Khi phát hiện người sử dụng lao động chậm đóng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 hoặc trốn đóng, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm kịp thời đôn đốc bằng văn bản.

- Cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

- Cơ quan bảo hiểm xã hội gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan thanh tra có liên quan để xem xét xử lý theo thẩm quyền.

- Chính phủ quy định chi tiết Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Xem thêm tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Trần Huyền Trang

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,277

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]