04 quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt từ 01/7/2024 theo Nghị định 52/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
24/06/2024 09:22 AM

Ngày 31/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 với nhiều điểm mới sau đây.

04 quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt từ 01/7/2024 theo Nghị định 52/2024

04 quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt từ 01/7/2024 theo Nghị định 52/2024 (Hình từ internet)

1. Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt từ 01/7/2024

Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt từ 01/7/2024 so với Nghị định Nghị định 52/2024/NĐ-CPNghị định 80/2016/NĐ-CP, đơn cử như:

- Thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

- Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Tẩy xóa, thay đổi nội dung, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, làm giả Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

- Hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Chủ tài khoản thanh toán có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng cung cấp thông tin hoặc cam kết không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cho các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật về giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;…

2. Bổ sung trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt từ 01/7/2024

Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:

- Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản; (Trường hợp mới bổ sung)

- Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;

- Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung. (Trường hợp mới bổ sung)

Ngoài ra, tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP có thêm trường hợp: Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

3. Quy định về tiền điện tử từ ngày 01/7/2024

- Tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử.

- Ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử.

- Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử (theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-NHNN) ghi trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trước ngày 01/7/2024 thì dịch vụ này được tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên.

Căn cứ pháp lý: Khoản 12 Điều 3, khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 36 Nghị định 52/2024/NĐ-CP

4. Ví điện tử phải liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng

Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 52/2024/NĐ-CP thì tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng; chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.

Đây là một điểm mới của Nghị định 52/2024/NĐ-CP so với Nghị định 101/2012/NĐ-CP.

Tuy nhiên, đây không phải là một quy định mới mà đã được quy định tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Cụ thể tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN có quy định:

- Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết trước khi khách hàng sử dụng Ví điện tử.

- Ví điện tử phải được liên kết với tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thẻ ghi nợ (có gắn với tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam) của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,961

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn