Hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng Nhà nước gồm những gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
17/08/2024 20:30 PM

Nội dung bài viết giải đáp chi tiết những hồ sơ cần để mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng Nhà nước theo quy định pháp luật hiện hành.

Hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng Nhà nước  gồm những gì?

Hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng Nhà nước  gồm những gì? (Hình ảnh từ Internet)

1. Hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng Nhà nước  gồm những gì?

Tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng Nhà nước bao gồm các tài liệu, thông tin, dữ liệu sau:

- Thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Điều 13 Thông tư 17/2024/TT-NHNN;

- Các tài liệu, thông tin, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN;

- Thỏa thuận việc quản lý và sử dụng tài khoản thanh toán chung giữa các chủ thể đứng tên mở tài khoản thanh toán (nếu có) đối với trường hợp mở tài khoản thanh toán chung.

2. Quy định về tài liệu, thông tin, dữ liệu về khách hàng là cá nhân, tổ chức

* Tài liệu, thông tin, dữ liệu đối với khách hàng là cá nhân:

- Trường hợp cá nhân là công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước hoặc Căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02) hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh đối với người dưới 14 tuổi;

- Trường hợp cá nhân là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch: Giấy chứng nhận căn cước;

- Trường hợp cá nhân là người nước ngoài:

(i) Hộ chiếu, đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải có thêm thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ có giá trị thay thị thực hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh; hoặc

(ii) Danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02).

* Tài liệu, thông tin, dữ liệu đối với khách hàng là tổ chức:

Tài liệu, thông tin, dữ liệu của khách hàng là tổ chức: Các tài liệu, thông tin, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022; bao gồm các tài liệu, thông tin, dữ liệu của người đại diện hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN.

3. Những lưu ý đối với hồ sơ cá nhân, tổ chức mở thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

- Trường hợp cá nhân mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 11 Thông tư 17/2024/TT-NHNN thì ngoài các tài liệu, thông tin, dữ liệu nêu tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN, hồ sơ mở tài khoản thanh toán phải có thêm:

+ Trường hợp người đại diện là cá nhân: các tài liệu, thông tin, dữ liệu phục vụ việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết của người đại diện theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN và giấy tờ chứng minh tư cách người đại diện hợp pháp của người đại diện đối với cá nhân mở tài khoản thanh toán;

+ Trường hợp người đại diện là pháp nhân: tài liệu, thông tin, dữ liệu phục vụ việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết của pháp nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN và giấy tờ chứng minh tư cách người đại diện hợp pháp của pháp nhân đó đối với cá nhân mở tài khoản thanh toán.

- Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định thêm các tài liệu, thông tin, dữ liệu khác trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán ngoài các tài liệu, thông tin, dữ liệu quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN, nhưng phải thông báo và hướng dẫn cụ thể cho khách hàng biết.

- Việc thu thập, lưu giữ hồ sơ mở tài khoản thanh toán phải đáp ứng yêu cầu sau:

+ Các tài liệu là văn bản giấy trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán phải là bản chính hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu phù hợp với quy định của pháp luật về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Đối với trường hợp xuất trình bản chính để đối chiếu, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính. Đối với các tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Đối với các tài liệu, thông tin, dữ liệu trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán là dữ liệu điện tử, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kiểm tra, đối chiếu, xác thực đảm bảo nội dung đầy đủ, chính xác và lưu trữ theo đúng quy định pháp luật về giao dịch điện tử;

+ Trường hợp các tài liệu, thông tin, dữ liệu trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán nêu tại điểm a, b khoản 6 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN bằng tiếng nước ngoài, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận với khách hàng về việc dịch hoặc không dịch ra tiếng Việt nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

++ Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kiểm tra, kiểm soát và chịu trách nhiệm xác nhận về nội dung của các tài liệu, thông tin, dữ liệu bằng tiếng nước ngoài đảm bảo đáp ứng đủ các thông tin yêu cầu cung cấp tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN;

++ Các tài liệu, thông tin, dữ liệu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; bản dịch phải có xác nhận của người có thẩm quyền của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực;

+ Các tài liệu, thông tin, dữ liệu trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN phải còn hiệu lực và thời hạn sử dụng trong quá trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 51

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn