Đề xuất bổ sung quy định tỷ lệ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/06/2024 18:15 PM

Nội dung bổ sung quy định tỷ lệ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP được đề cập tại dự thảo Nghị định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bổ sung quy định tỷ lệ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP theo dự thảo Nghị định

Đề xuất bổ sung quy định tỷ lệ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP (Hình từ internet)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Bổ sung quy định tỷ lệ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP theo dự thảo Nghị định

Cụ thể, dự thảo Nghị định đã bổ sung khoản 3 Điều 35 Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định về tỷ lệ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP như sau:

“3. Đối với dự án áp dụng loại hợp đồng O&M, trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án bao gồm cả chi phí nộp ngân sách nhà nước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách nhà nước, nhà đầu tư được hoàn trả hoặc giải tỏa phần bảo đảm thực hiện hợp đồng với tỷ lệ tương ứng phần tiền nộp vào ngân sách nhà nước. Phần bảo đảm thực hiện hợp đồng còn lại được hoàn trả hoặc giải tỏa sau khi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP hoàn thành nghĩa vụ còn lại theo hợp đồng.”

Như vậy, so với quy định hiện hành thì dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm trường hợp đối với dự án áp dụng loại hợp đồng O&M.

Hiện hành, quy định tỷ lệ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP được quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định 35/2021/NĐ-CP như sau:

 - Đối với dự án có tổng mức đầu tư đến 300 tỷ đồng, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu theo mức xác định từ 1,5% đến 3% tổng mức đầu tư của dự án.

- Đối với dự án có tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu theo mức xác định từ 1% đến 1,5% tổng mức đầu tư của dự án.

Giải thích hợp đồng O&M theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020

Hợp đồng O&M được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 45 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 như sau:

Phân loại hợp đồng dự án PPP

1. Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng hoặc tổ chức bao tiêu sản phẩm, dịch vụ công, bao gồm:

a) Hợp đồng BOT là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước;

b) Hợp đồng BTO là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; sau khi hoàn thành xây dựng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng cho Nhà nước và được quyền kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định;

c) Hợp đồng BOO là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, sở hữu, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng;

d) Hợp đồng O&M là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 780

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]