Đề xuất quy định mới về hợp đồng nhà giáo

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
15/05/2024 14:14 PM

Tôi nghe nói đã có dự thảo Luật Nhà giáo, xin cho hỏi đề xuất quy định mới về hợp đồng nhà giáo như thế nào? - Hồng Thắm (Bình Phước)

Đề xuất quy định mới về hợp đồng nhà giáo

Đề xuất quy định mới về hợp đồng nhà giáo (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Mới đây, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa công bố dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo 2).

dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo 2)​

Đề xuất quy định mới về hợp đồng nhà giáo

Căn cứ Điều 22 dự thảo Luật Nhà giáo, hợp đồng nhà giáo được ký kết giữa người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhà giáo.

Hợp đồng nhà giáo bao gồm:

- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn được áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Nhà giáo đang ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động trước khi Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi phải thay đổi theo các trường hợp quy định tại Điều 25 dự thảo Luật Nhà giáo.

Nội dung và hình thức của hợp đồng nhà giáo

Theo Điều 23 dự thảo Luật Nhà giáo, hợp đồng nhà giáo có những nội dung chủ yếu sau:

- Tên, địa chỉ của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục;

- Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng; thông tin về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; chức danh nhà giáo; số căn cước công dân đối với nhà giáo là người Việt Nam hoặc số hộ chiếu và quốc tịch đối với nhà giáo là người nước ngoài;

- Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Chế độ thăng tiến nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng;

- Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng;

- Tiền lương, chế độ tăng lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có);

- Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;

- Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động;

- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

- Hiệu lực của hợp đồng;

- Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của cấp học, trình độ đào tạo, điều kiện đặc thù của cơ sở giáo dục và phương thức giải quyết tranh chấp nhưng không trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hợp đồng nhà giáo được lập thành 03 (ba) bản, trong đó 01 (một) bản giao cho nhà giáo, 02 (hai) bản do cơ sở giáo dục lưu phục vụ công tác quản lý.

Quy định về thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng nhà giáo

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng nhà giáo, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng nhà giáo thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày. Khi nội dung thay đổi được hai bên chấp thuận thì tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng nhà giáo và ký kết phụ lục hợp đồng nhà giáo. Trong thời gian tiến hành thoả thuận, các bên vẫn phải tuân thủ thực hiện theo hợp đồng nhà giáo đã ký kết. Trường hợp không thoả thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng nhà giáo đã ký kết hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng nhà giáo.

- Đối với hợp đồng xác định thời hạn, trước khi hết hạn hợp đồng 15 ngày, người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo, quyết định ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng đối với nhà giáo.

- Việc tạm hoãn thực hiện, chấm dứt hợp đồng nhà giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

- Khi nhà giáo chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chấm dứt hợp đồng nhà giáo với người đứng đầu cơ sở giáo dục và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Trường hợp nhà giáo đang thực hiện chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn của cơ sở giáo dục công lập khi chuyển tới cơ sở giáo dục công lập mới thì được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn ở cơ sở giáo dục công lập mới đó nếu thuộc số lượng người làm việc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao của cơ sở giáo dục công lập mới.

(Điều 24 dự thảo Luật Nhà giáo)

Các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng nhà giáo

(1) Cơ sở giáo dục được đơn phương chấm dứt hợp đồng với nhà giáo trong các trường hợp sau:

- Nhà giáo có 02 năm liên tiếp bị đánh giá, xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

- Nhà giáo bị buộc thôi việc, sa thải theo quy định của pháp luật;

- Nhà giáo làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, nhà giáo làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà sức khỏe chưa phục hồi để làm việc. Khi sức khỏe của nhà giáo phục hồi thì được xem xét để tiếp tục ký kết hợp đồng;

- Vì lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho cơ sở giáo dục buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà nhà giáo đang đảm nhận không còn và không thể thỏa thuận để bố trí việc làm khác;

- Khi cơ sở giáo dục dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

(2) Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, người đứng đầu cơ sở giáo dục phải báo cho nhà giáo biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn hoặc ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn. Đối với nhà giáo do cơ quan quản lý cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng do người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý cơ sở giáo dục.

(3) Người đứng đầu cơ sở giáo dục không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với nhà giáo trong các trường hợp sau:

- Nhà giáo ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị bệnh theo quyết định của cơ sở chữa bệnh, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 dự thảo Luật Nhà giáo;

- Nhà giáo đang nghỉ hằng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người đứng đầu cơ sở giáo dục cho phép;

- Nhà giáo nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cơ sở giáo dục dừng hoạt động và trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 dự thảo Luật Nhà giáo.

(4) Nhà giáo có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

- Không được bố trí công việc theo đúng hợp đồng; không bảo đảm địa điểm làm việc hoặc các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng;

- Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng;

- Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

- Nhà giáo phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;

- Nhà giáo ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà sức khỏe chưa phục hồi để làm việc.

(5) Nhà giáo làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng nhà giáo hoặc người đại diện hợp pháp của nhà giáo phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu cơ sở giáo dục biết trước ít nhất 15 ngày; trường hợp nhà giáo thuộc quy định tại điểm d, điểm đ khoản 4 Điều 25 dự thảo Luật Nhà giáo thì nhà giáo hoặc người đại diện hợp pháp của nhà giáo phải thông báo cho người đứng đầu cơ sở giáo dục trước ít nhất 30 ngày.

(Điều 25 dự thảo Luật Nhà giáo)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,299

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn