Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
05/04/2024 14:19 PM

Cho tôi hỏi hiện nay đã có hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự hay chưa? – Tấn Hòa (Bình Phước)

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ theo Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự

1. Hướng dẫn tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự (Dự thảo)

Theo đó, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự, đơn cử như sau:

- Về tình tiết “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã ngăn cản không cho tác hại của tội phạm xảy ra hoặc hạn chế tối đa tác hại của tội phạm.

- Về tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự xác định như sau:

+ Bị cáo là người chưa thành niên có tài sản riêng hoặc cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

+ Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

+ Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;

+ Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè…) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

+ Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (Ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ, hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Xem chi tiết hướng dẫn tại Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự.

2. Hướng dẫn tình tiết tăng nặng trong Bộ luật Hình sự (Dự thảo)

Theo đó, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng trong Bộ luật Hình sự, đơn cử như sau:

- Về tình tiết “Phạm tội có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự được hiểu là hình thức đồng phạm có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu.

- Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

+ Cố ý phạm tội từ 05 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

+ Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu thập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

Xem chi tiết hướng dẫn tại Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,034

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn